Các thợ lặn đã thực hiện 13 lần lặn xuống con tàu bị chìm, tổng cộng 464 phút, để có thể đưa ra báo cáo đầu tiên về vụ đắm tàu đã xảy ra từ 400 năm trước.
Giữa một cửa sông mà bất kỳ con tàu gỗ nào vừa chìm cũng thối rữa nhanh chóng, một con tàu ma đúng nghĩa vừa xuất hiện nguyên vẹn sau 4 thế kỷ nhờ hiện tượng "ngàn năm có một".
Theo Live Science, con tàu ma quái vừa được các nhà khảo cổ học hàng hải khai quật dưới cửa sông Trave, miền Bắc nước Đức; sau đó được nghiên cứu bởi nhóm khoa học gia từ Trường Đại học Kiel - Đức.
Vùng biển Baltic được biết tới là vùng "tử thần" đối với các con tàu đắm, nơi các điều kiện của nước và vi sinh vật sẽ nhanh chóng làm thối rữa bất kỳ mảnh gỗ nào vừa chìm xuống, chỉ trừ "con tàu ma" bí ẩn mới được khai quật.
Kết quả kiểm tra cho thấy con tàu đã khoảng 400 năm tuổi, là một phát hiện hiếm có thuộc về thời kỳ Hanseatic, khi một nhóm các hiệp hội thương mại Bắc Âu thống trị vùng Baltic từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII.
Được biết, các thợ lặn đã thực hiện 13 lần lặn xuống con tàu bị chìm, tổng cộng 464 phút, để có thể đưa ra báo cáo đầu tiên về vụ đắm tàu đã xảy ra từ 400 năm trước. Ảnh: Live Science |
Trước đó, con tàu được phát hiện lần đầu vào năm 2020 trong một cuộc khảo sát định kỳ bằng sóng siêu âm. Từ đó đến nay, 13 cuộc lặn đã được tổ chức để nghiên cứu và khai quật xác tàu.
Theo các chuyên gia, cách mà con tàu chìm đắm cũng hết sức ma quái khi nó không hề bị lật mà chìm theo phương thẳng đứng. Toàn bộ thân tàu ngập chìm trong bùn mịn ở độ sâu 11m, trong vùng chủ yếu là nước mặn ngay ngoài cửa sông Trave, nơi đổ ra biển Baltic.
Đây được cho là nguyên nhân giúp xác tàu vẫn còn nguyên vẹn, lớp bùn đã giúp toàn bộ thân tàu tránh khỏi sự đục khoét của các vi sinh vật.
"Con tàu ma" có chiều dài khoảng 20-25m, là một tàu chở hàng có cột buồm thường được biết tới với tên gọi galliot. Theo đó, gần 150 thùng gỗ được tìm thấy gần như nguyên vẹn trên hoặc gần xác tàu, cho thấy con tàu chở đầy vôi sống trước khi được cho là bị chìm vào cuối thế kỷ XVII.
Manfred Schneider, người đứng đầu bộ phận khảo cổ học của Lübeck, đồng thời lãnh đạo dự án trục vớt con tàu cho biết: "Việc nâng con tàu lên từ lòng sông có thể cho phép các nhà khảo cổ kiểm tra thân tàu và cấu trúc cũng như xác định nguồn gốc một cách kỹ lưỡng".
Schneider cho biết, việc trục vớt có thể phát hiện ra những phần chưa được biết trước đó của xác tàu hiện đang ẩn giấu trong lớp trầm tích.
Theo ông, mặc dù Lübeck là trung tâm thương mại vùng Baltic trong thời kỳ Hanseatic, nhưng rất ít mặt hàng hàng hải đích thực từ thời đó còn tồn tại. Schneider nhận xét rằng việc phát hiện ra toàn bộ con tàu từ thời kỳ này là một dấu ấn vô cùng nổi bật, hiếm có trong lịch sử.
Tìm thấy ‘kho báu’ trị giá 432 tỷ đồng trên gác mái ở Pháp
Người đàn ông vô tình ‘vớ’ được kho báu 1500 năm tuổi khi đang đi tập thể dục