Phải chi hơn 4,7 tỷ đồng cho 1 chiếc Toyota phân khúc bình dân, người Singapore bức xúc vì chênh lệch giàu nghèo quá lớn

29-01-2024 17:33|Phương Nhi

Quốc đảo này hiện là nơi đắt nhất thế giới để sở hữu một số ô tô phổ biến nhất, theo dữ liệu từ Numbeo.

Mới đây, một nữ giám đốc công ty truyền thông cho biết cô không khỏi giật mình khi nhận ra rằng bản thân sẽ phải trả số tiền bằng một chiếc Aston Martin ở hầu hết các nước cho một chiếc Toyota tại trung tâm tài chính châu Á.

“Khi chúng tôi đến đại lý Toyota, họ yêu cầu 260.000 USD Singapore (hơn 4,7 tỷ đồng) cho một chiếc xe hybrid. Đó thậm chí còn không phải là một chiếc xe hơi sang trọng", cô nói.

Phải chi hơn 4,7 tỷ đồng cho 1 chiếc Toyota phân khúc bình dân, người Singapore bức xúc vì chênh lệch giàu nghèo quá lớn
Lái xe ở Singapore chưa bao giờ là rẻ

Chi phí sở hữu phương tiện của Singapore - vốn đã ở mức vượt trội so với các nước khác - hiện đang ở gần mức cao kỷ lục. Nguyên nhân là chi phí làm giấy chứng nhận quyền sở hữu ôtô (COE) quá cao. Từ năm 1990, Singapore bắt đầu áp dụng thu phí COE để hạn chế xe cá nhân.

Mỗi COE là một chứng chỉ lưu hành, cho phép một chiếc xe được đăng ký và sử dụng trong 10 năm tại Singapore. Sau khi hết thời hạn này, chủ sở hữu phải mua một COE khác nếu muốn tiếp tục sử dụng.

Chi phí COE không cố định mà được đấu giá hai tuần một lần và đã tăng gần gấp bốn lần trong ba năm trở lại đây, đạt 150.000 USD Singapore (hơn 2,7 tỷ đồng) vào tháng 10/2023 đối với ô tô có động cơ lớn hơn 1.600cc.

Giá COE gần đây đã hạ nhiệt sau khi Chính phủ Singapore tăng số lượng giấy phép bán ra. Tuy nhiên chúng vẫn rất dễ tăng đột biến. Vào ngày 17/1, mức phí đã tăng 32% lên 112.000 USD Singapore (hơn 2 tỷ đồng) đối với những chiếc ôtô với động cơ có dung tích lớn hơn trong giai đoạn bận rộn trước Tết Nguyên đán.

Điều này làm trầm trọng thêm cuộc tranh luận xung quanh việc giá thuê nhà tăng cao, lạm phát tăng và làn sóng người nước ngoài giàu có đổ vào Singapore trong những năm gần đây.

Theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 10/2023, cho đến nay chi phí sinh hoạt cao của Singapore là vấn đề quan trọng nhất mà quốc gia này phải đối mặt. Theo đó, cách Chính phủ nước này giải quyết khoảng cách giàu nghèo và giá ô tô quá cao là một trong những vấn đề mà người dân cảm thấy không hài lòng nhất.

Khoảng cách giàu nghèo

Victor Kwan, giảng viên cao cấp tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết: “Giá COE, giống như nhiều thứ khác, nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo tại Singapore. Nếu nó tiếp tục tăng, sự thất vọng của người dân cũng sẽ ngày càng tăng".

Quốc đảo này hiện là nơi đắt nhất thế giới để sở hữu một số ô tô phổ biến nhất, theo dữ liệu từ Numbeo. "Hơn nữa, chi phí COE khó có thể giảm đáng kể do nhu cầu liên tục tăng cao", Vinod Cherumadathil, Giám đốc điều hành của Sgcarmart, một chợ ô tô trực tuyến thuộc sở hữu của Toyota Motor Corp, cho biết.

Phải chi hơn 4,7 tỷ đồng cho 1 chiếc Toyota phân khúc bình dân, người Singapore bức xúc vì chênh lệch giàu nghèo quá lớn
Theo Numbeo

Toh Ting Feng, Giám đốc điều hành của công ty GetGo Technologies cho biết, thị trường việc làm dồi dào tại Singapore và số lượng lớn người nước ngoài chuyển đến hòn đảo này đã giúp nâng cao nhu cầu sở hữu ô tô.

Có thể thấy, lái xe ở Singapore chưa bao giờ là rẻ. Từ năm 1990, Chính phủ Singapore đã kiểm soát số lượng ô tô trên đường và vào năm 2018, quốc đảo này đã áp dụng chính sách không tăng số lượng phương tiện.

Singapore có hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời bằng xe buýt và tàu điện ngầm. Tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô đã giảm từ 40% trong năm 2013 xuống còn khoảng 1/3 trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc sở hữu một chiếc ô tô vẫn được coi là biểu tượng của sự giàu có mà nhiều người phấn đấu hướng tới.

“Tôi biết những người sẽ ăn ít hơn, ăn rẻ hơn, không đi ra ngoài thường xuyên để tiết kiệm mua một chiếc túi hàng hiệu hay một chiếc ô tô đẹp, bởi vì nó gần giống như một biểu tượng của địa vị”, một người dân cho hay.

Theo báo cáo tài sản toàn cầu của UBS Group AG, giá trị tài sản ròng của mỗi người trưởng thành ở Singapore đã tăng 6,3% vào năm 2022, mang lại cho thành phố này hơn 300.000 triệu phú. Dù vậy, giá COE cho ô tô nhỏ đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2023, trong khi thu nhập trung bình hàng tháng chỉ tăng 2,4%.

Để dễ hình dung, một công nhân có mức lương trung bình là 5.197 USD Singapore (hơn 95 triệu đồng) mỗi tháng sẽ phải chi khoảng 3 năm tiền lương để mua một chiếc sedan của Toyota.

Phải chi hơn 4,7 tỷ đồng cho 1 chiếc Toyota phân khúc bình dân, người Singapore bức xúc vì chênh lệch giàu nghèo quá lớn
Một công nhân có mức lương trung bình là 5.197 USD Singapore (hơn 95 triệu đồng) mỗi tháng sẽ phải chi khoảng 3 năm tiền lương để mua một chiếc sedan Toyota

Vào tháng 5/2023, các nhà chức trách đã cam kết đưa ra 6.000 giấy phép để hạ nhiệt thị trường, nhưng điều đó không thể giữ được giá COE tiếp tục tăng cao. Điều này đã khiến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Singapore Chee Hong Tat phải cam kết đưa ra thêm hạn ngạch giấy phép để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào tháng 11/2023.

Đối với nhiều người Singapore, việc sở hữu ô tô vẫn là một phần quan trọng trong lối sống của họ. Tại triển lãm ô tô Singapore hồi đầu tháng này, Abu Bakar bin Isnin, 64 tuổi, đang cân nhắc mua một chiếc xe mới mặc dù giấy phép COE mới có giá gấp đôi so với giấy phép gần hết hạn của ông. Tuy nhiên, người đàn ông cho biết: “Đó không phải là một điều xa xỉ mà là một điều cần thiết”. “Mọi người mua ô tô vì cần phải đưa gia đình đi khắp nơi".

>> Singapore: Giấy phép mua ô tô có giá tương đương 4 chiếc ô tô Camry

Quỹ đầu cơ Singapore chưa từng lỗ nhưng lại phải đóng cửa vì cố 'bắt đáy' chứng khoán Trung Quốc

Malaysia và Singapore thành lập đặc khu kinh tế chung

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phai-chi-hon-47-ty-dong-cho-1-chiec-toyota-phan-khuc-binh-dan-nguoi-singapore-buc-xuc-vi-chenh-lech-giau-ngheo-qua-lon-221616.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phải chi hơn 4,7 tỷ đồng cho 1 chiếc Toyota phân khúc bình dân, người Singapore bức xúc vì chênh lệch giàu nghèo quá lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH