Bình Định tiếp tục tìm chủ đầu tư cho dự án điện rác hơn 1.500 tỷ đồng

20-02-2024 11:49|Thảo Đan

Dự án nhà máy điện rác tại Bình Định có công suất xử lý bình quân 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường/ngày đêm.

Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.

Theo đó, dự án được thực hiện tại ô A5 và ô A6 thuộc Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ (xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn) với diện tích đất dự kiến sử dụng 100.401m2.

Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ có công suất xử lý bình quân 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường/ngày đêm (ưu tiên xử lý chất thải rắn sinh hoạt) có phát điện với công suất phù hợp Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.500 tỷ đồng, có thể cao hơn tùy theo công nghệ, thiết bị của nhà đầu tư.

Phạm vi phục vụ của dự án là TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh). Về lâu dài, địa phương sẽ gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế và mở rộng phạm vi phục vụ theo Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định còn thông tin, giá dịch vụ xử lý sẽ không quá 430.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT và các chi phí xử lý tro bay, tro xỉ, chất thải thứ cấp hình thành từ quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định).

Giá dịch vụ sẽ ổn định trong vòng 3 năm đầu kể từ khi nhà máy đưa vào vận hành chính thức. Sau 3 năm, tỉnh Bình Định sẽ cập nhật, điều chỉnh tăng giá, tần suất tăng giá là 2 năm/lần. Hệ số giá tăng được tính theo chỉ số CPI trung bình của 2 năm trước đó.

Tại Khu chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, tỉnh Bình Định đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải ở Long Mỹ.
Bình Định tìm chủ đầu tư cho dự án nhà máy phát điện Long Mỹ. Ảnh minh họa

>> Bình Định chuẩn bị đấu giá 1.500m2 'đất vàng' xây chung cư thương mại

"Lộ trình điều chỉnh giá này là lộ trình điều chỉnh giá tối đa, khuyến khích các nhà đầu tư có lộ trình tăng giá theo hướng tiết kiệm hơn cho ngân sách Nhà nước", Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định thông tin.

Bên cạnh đó, đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận với các chủ nguồn thải theo quy định pháp luật, nhưng phải đảm bảo công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ được kỳ vọng xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt (và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu) với công nghệ đốt rác phát điện.

Chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn yêu cầu xây dựng nhà máy phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi, nước thải… bảo đảm các yêu cầu quy định về môi trường; tiếp nhận rác chưa qua phân loại hoặc có phân loại một phần theo quy định của Nhà nước (không tổ chức phân loại thủ công đối với rác đầu vào tại nhà máy)…

Dự án có thời hạn hoạt động là 30 năm kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án.

>> Lộ diện liên danh 'tay ba' thực hiện khu nghỉ dưỡng tại vùng đất 'thiên đường biển đảo' của Việt Nam

Đồng Nai hé mở tiến độ mới dự án nhà máy đốt rác phát điện 2.200 tỷ đồng

Biwase (BWE) chính thức vận hành nhà máy đốt rác phát điện với vốn đầu tư 34,4 triệu USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/binh-dinh-tiep-tuc-tim-chu-dau-tu-cho-du-an-dien-rac-hon-1500-ty-dong-223531.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bình Định tiếp tục tìm chủ đầu tư cho dự án điện rác hơn 1.500 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH