Bộ Công an khẳng định, tài xế vượt đèn đỏ sẽ không bị xử phạt nếu làm điều này
Mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ được điều chỉnh tăng đáng kể từ ngày 01/01/2025.
Kể từ ngày 01/01/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bao gồm cơ chế trừ điểm và khôi phục điểm trên GPLX.
Theo nội dung nghị định, mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ được điều chỉnh tăng đáng kể, đặc biệt là những lỗi nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Một trong những vấn đề được nhiều người dân quan tâm là liệu việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho các xe ưu tiên như xe cấp cứu, xe chữa cháy… có bị xử phạt theo quy định mới không.
Ngày 23/01/2025, Bộ Công an đã cung cấp thông tin chính thức về vấn đề này. Theo đó, quy định tại Điều 11 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ rằng các hành vi vi phạm trong trường hợp "tình thế cấp thiết" sẽ không bị xử phạt.
Đồng thời, tại khoản 5 Điều 27 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024, người tham gia giao thông được yêu cầu phải giảm tốc độ, đi sát lề phải hoặc dừng xe nhường đường khi phát hiện tín hiệu của xe ưu tiên. Các trạm thu phí cũng phải đảm bảo xe ưu tiên được di chuyển qua mà không gặp bất kỳ cản trở nào.
Bộ Công an khẳng định rằng người dân không cần lo lắng khi không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe ưu tiên trong các tình huống cấp thiết. Đây là trường hợp ngoại lệ và sẽ không bị xử phạt hành chính.
Để đảm bảo tính minh bạch, khi lập biên bản xử phạt tại hiện trường, lực lượng phụ trách sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, sử dụng camera giám sát để trích xuất và trình chiếu trực tiếp diễn biến sự việc. Người vi phạm sẽ được xem lại toàn bộ quá trình để hiểu rõ hành vi vi phạm và tín hiệu đèn giao thông tại thời điểm đó.
Trong trường hợp phạt nguội, cảnh sát giao thông sẽ trình chiếu đoạn video ghi lại toàn bộ quá trình vi phạm, đặc biệt là tình huống vượt đèn đỏ, để người vi phạm có thể kiểm chứng. Quy trình này nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch và giúp người dân "tâm phục, khẩu phục", tránh gây ra những trường hợp xử phạt sai hoặc hiểu lầm không đáng có.
Sau 3 tuần triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tai nạn giao thông đường bộ đã ghi nhận sự giảm thiểu ở cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn, số người tử vong và số người bị thương
Ngày 22/01/2025, Cục CSGT công bố số liệu cho thấy, sau 3 tuần triển khai Nghị định 168, gần 230.700 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ đã bị phát hiện và xử lý, giảm hơn 18.000 trường hợp so với giai đoạn liền trước.
Nhiều hành vi nguy hiểm dễ gây tai nạn giao thông cũng giảm đáng kể. Cụ thể, vi phạm tín hiệu đèn giao thông giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, nồng độ cồn giảm 13,5% và vi phạm tải trọng hay cơi nới thùng xe giảm 34,5%.
Theo đánh giá từ Cục CSGT, tại các đô thị lớn, số lượng người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, sử dụng vỉa hè sai mục đích hay không đội mũ bảo hiểm đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ giám sát qua camera giúp xử phạt nguội hiệu quả, dù không có sự hiện diện của CSGT trên đường. Nhờ đó, ý thức tự giác tuân thủ quy định giao thông của người dân được nâng cao, góp phần hình thành văn hóa giao thông văn minh.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, nhận định người dân đã dần thay đổi thói quen, tự giác tuân thủ luật lệ ngay cả khi không có lực lượng chức năng kiểm tra, tạo nên môi trường giao thông an toàn hơn. Thống kê cũng chỉ ra rằng, tai nạn giao thông đường bộ giảm ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người tử vong và số người bị thương.
Riêng tại Hà Nội, trong 3 tuần đầu thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các lực lượng chức năng đã xử lý 15.288 trường hợp vi phạm, tạm giữ 4.424 phương tiện, tước 719 GPLX và trừ điểm 1.610 GPLX.
Một số lỗi vi phạm đáng chú ý bao gồm 468 trường hợp vượt đèn đỏ, 361 trường hợp đi ngược chiều hoặc vào đường cấm, 2.273 trường hợp dừng đỗ sai quy định, 3.352 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 4.788 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.
Để nâng cao nhận thức người dân, Phòng CSGT Hà Nội đã lắp đặt 58 biển báo tuyên truyền về mức phạt tại các nút giao thông trọng điểm, như Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Ô Chợ Dừa và Đại Cồ Việt - Giải Phóng,... Những khu vực này có lượng phương tiện lưu thông cao và tiềm ẩn nguy cơ lớn về tai nạn giao thông.
>> Công an công bố hàng trăm phương tiện bị ‘phạt nguội’, phần lớn tài xế đều mắc phải 2 lỗi này
Từ năm nay, vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cấp cứu có bị phạt không?
Chi tiết mức phạt vượt đèn đỏ, đèn vàng với ô tô, xe máy mới nhất 2025