Bộ Công Thương không gia hạn biện pháp tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu

20-09-2022 09:06|Vân Vân

Bộ Công Thương quyết định không gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu từ ngày 7/9/2022.

Theo Bộ Công Thương, căn cứ Quyết định số 715/QĐ-BCT ngày 3/3/2020, biện pháp tự vệ được áp dụng với phân bón DAP, MAP nhập khẩu, tuy nhiên trước khi biện pháp tự vệ hết hiệu lực, căn cứ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và yêu cầu rà soát của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, xem xét việc gia hạn biện pháp hoặc không gia hạn biện pháp theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Bộ Công Thương, dựa trên cơ sở kết quả rà soát, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3, Điều 71 Luật Quản lý ngoại thương và khoản 3 Điều 69 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

Cơ quan điều tra đánh giá, không tồn tại hiện tượng chênh lệch giá, kìm giá, ép giá giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Lượng nhập khẩu là hợp lý và bổ sung nguồn cung đang thiếu của ngành sản xuất trong nước. Do tình hình biến động chung trên thế giới, việc hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến vào Việt Nam sẽ ít có khả năng tái diễn trong thời gian tới.

"Ngành sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa chịu thiệt hại nghiêm trọng sau 5 năm áp dụng biện pháp tự vệ", Cơ quan điều tra kết luận.

Như vậy, sau 5 năm áp thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, từ sau ngày 6/9, thuế phòng vệ thương mại với phân bón DAP, MAP về 0%.

Trước đó, tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 715 gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

Các mức thuế áp dụng như sau: từ 7/3/2020 đến 6/3/2021 mức thuế tự vệ là 1.050.662 đồng/tấn; từ 7/3/2021 đến 6/3/2022 là 1.029.219 đồng/tấn; từ 7/3/2022 đến 6/9/2022 là 1.007.778 đồng/tấn; từ 7/9/2022 trở đi là 0 đồng/tấn.

Nhập khẩu phân bón tăng mạnh

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, Việt Nam nhập khẩu 246.015 tấn phân bón, tăng 46% tương đương 112,5 triệu USD, cao hơn 68% so với tháng 7. Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 8 là 457,4 USD/tấn, tăng 15,4% với tháng trước đó và cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8/2022, nhập khẩu từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tăng 2,3% về lượng - tăng 12% kim ngạch so với tháng 7 và ở mức 110.166 tấn, tương đương 47,21 triệu USD. Giá trung bình nhập từ Trung Quốc là 428,6 USD - tăng gần 10% về giá so với tháng 7 và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 2,2 triệu tấn, trị giá trên 1,02 tỷ USD, giảm 31% về khối lượng nhưng tăng 12,2% về kim ngạch. Giá trung bình 467 USD/tấn, tăng 62,4% so với cùng kỳ 2021.

Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 48,2% trong tổng lượng và chiếm 42,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, ở mức 1,1 triệu tấn, tương đương 434,3 triệu USD. Con số này thấp hơn 26,9% về lượng nhưng cao hơn 9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá mặt hàng này mua từ Trung Quốc là 411,2 USD/tấn, tăng gần 50%.

Trong 8 tháng qua, Việt Nam mua 150.457 tấn, tương đương 97,7 triệu USD từ Nga. Giá trung bình 649,5 USD/tấn, tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á trong 8 tháng là 179.822 tấn, tương đương 112,7 triệu USD, giảm mạnh 53,7% về lượng, giảm 15% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 8,2% trong tổng lượng và chiếm 11% trong tổng kim ngạch mặt hàng này.

Giá phân bón nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8

Bà chủ Xuyên Việt Oil khai về cuộc gọi với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương

Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ Công Thương không gia hạn biện pháp tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu
    POWERED BY ONECMS & INTECH