Bỏ phố về quê khởi nghiệp, chàng sinh viên thú y thành tỷ phú nuôi heo có gia sản 600 nghìn tỷ, được Forbes xướng tên trong top 200 người giàu nhất thế giới
Đến năm 2021, giá trị tài sản ròng của tỷ phú này được định giá khoảng 199,2 tỷ NDT (hơn 657.000 tỷ đồng).
Khởi nghiệp từ đàn lợn 22 con
Ở xứ tỷ dân, câu chuyện về một người đàn ông vươn lên làm giàu nhờ nuôi lợn trở thành tỷ phú và nhiều năm liền góp mặt trong danh sách những người giàu nhất nước đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông. Nhân vật chính là ông Tần Anh Lâm, sinh năm 1965 trong một gia đình nông dân đông con tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Từ hành trình khởi nghiệp cho đến cách ông duy trì vị thế tỷ phú suốt nhiều năm qua, cuộc đời Tần Anh Lâm luôn là nguồn cảm hứng cho không ít người. Cơ duyên đưa ông đến với ngành chăn nuôi bắt đầu vào năm 1979, khi ông đọc một bài báo kể về doanh nhân Hoàng Tân Văn làm giàu từ nghề nuôi lợn.
Nghĩ mình cũng có thể thử khởi nghiệp bằng nghề này nên ông đã đề xuất với cha mình. Ủng hộ ý tưởng của cậu con trai, cha ông mua 20 chú lợn con về nuôi nhưng đều chết do bệnh. Song, thất bại này chính là động lúc giúp ông quyết tâm chinh phục công việc này.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, ông kết hôn với bà Tiền Anh – bạn học cấp ba cùng ngành thú y. Cả hai sau đó cùng làm việc tại một nhà máy liên doanh chế biến thịt tại Hà Nam. Đến năm 1992, khi làn sóng khởi nghiệp lan rộng khắp Trung Quốc, hai vợ chồng quyết định rời thành phố trở về quê, mang theo 260 NDT và giấc mơ xây dựng một trang trại nuôi lợn. Nhờ vay mượn từ người thân, ông Tần gom được 31.000 NDT để xây dựng một chuồng trại hiện đại, tích hợp hệ thống giữ nhiệt, thông gió, xử lý phân thải... Tất cả được ông tự tay xây dựng, giúp tiết kiệm tới 90% chi phí. Thậm chí, ông còn dựng một lán nhỏ bên cạnh chuồng trại để tiện chăm sóc đàn lợn.

Dù vậy, thử nghiệm đầu tiên vào năm 1993 với 22 con lợn tiếp tục thất bại do dịch bệnh và thiếu kinh nghiệm. Không chùn bước, ông tiếp tục vay tiền, mạnh dạn mở rộng đàn lên 2.000 con vào năm 1994. Tuy nhiên, vận rủi một lần nữa ập đến khi đàn lợn mắc một loại bệnh lạ. Trong ba ngày chờ phản hồi từ giáo viên cũ, hơn 70 con đã chết. Trước tình hình cấp bách, vợ ông buộc phải liên hệ trực tiếp với Cục Chăn nuôi Hà Nam để xin hỗ trợ. Nhờ đó, vaccine được chuyển đến sớm, giúp cứu sống 1.900 con còn lại.
Trở thành tỷ phú với gia tài khổng lồ
Năm 1996, sau nhiều lần vấp ngã, ông chính thức bước vào giai đoạn chăn nuôi quy mô lớn với hơn 10.000 con lợn, sử dụng khoản vay 1,5 triệu NDT. Bài học từ những thất bại khiến ông đặc biệt chú trọng đến việc nuôi lợn khoa học: nhân viên phải cách ly 14 ngày trước khi vào trại; bản thân ông cũng không ngừng học hỏi từ các mô hình trong và ngoài nước.

Năm 2000, Tần Anh Lâm thành lập Công ty chăn nuôi Muyuan. Tuy nhiên, thị trường lúc bấy giờ chuộng thịt lợn siêu nạc nhưng sản phẩm này lại được tạo ra bằng cách pha trộn clenbuterol vào thức ăn. Dù bị chê là “lợn béo”, ông kiên quyết không sử dụng chất này để đảm bảo an toàn thực phẩm. Sự kiên định này khiến doanh thu giảm hơn 2 triệu NDT mỗi năm. Nhưng về lâu dài, chính lựa chọn đó đã giúp ông tạo dựng được niềm tin nơi khách hàng.
Năm 2006, Muyuan bán ra 360.000 con lợn, trở thành nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất Trung Quốc. Năm 2014, khi doanh nghiệp chính thức lên sàn chứng khoán, Tần Anh Lâm trở thành người giàu nhất tỉnh Hà Nam với tài sản ước tính 4,5 tỷ NDT. Bước ngoặt đến vào năm 2018 khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Trong khi nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình phi tập trung bị ảnh hưởng nặng nề, Muyuan với hệ thống tự quản lý tập trung ít bị thiệt hại và duy trì hiệu quả hoạt động.

Tận dụng tình trạng thiếu thịt lợn trầm trọng năm 2019, Muyuan tăng tốc mở rộng. Trung bình mỗi ngày công ty bán ra 50.000 con, thu về lợi nhuận ròng hơn 80 triệu NDT (hơn 287 tỷ đồng). Cùng năm đó, Tần Anh Lâm quay trở lại vị trí người giàu nhất Hà Nam với khối tài sản trên 100 tỷ NDT, vượt qua cả các “ông trùm” công nghệ thời điểm ấy. Đến năm 2021, giá trị tài sản ròng của ông được định giá khoảng 199,2 tỷ NDT (hơn 657.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2025 do Forbes công bố, Tần Anh Lâm xếp thứ 153, với tổng giá trị tài sản lên đến 14,6 tỷ USD (gần 380 nghìn tỷ đồng).
Nguồn: Tổng hợp
Ảnh: Internet
>> Gen Z bỏ văn phòng về quê làm nghề 'mỗi ngày lạy hàng trăm lần', thu nhập 14 triệu đồng/tháng