Bộ Tài chính đang thiết kế gói hỗ trợ người lao động 23.000 tỷ đồng để trình Ủy Thường vụ Quốc hội xem xét.
Trong phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sáng nay 6/6, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng doanh nghiệp và người lao động hiện còn gặp khó khăn hơn cả thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và đưa ra câu hỏi về việc sắp tới có các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như trong giai đoạn đại dịch hay không?
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2021 đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị COVID-19, trong đó chi hỗ trợ trực tiếp từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi COVID-19 là 30.800 tỷ đồng. Như vậy, năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng.
“Hiện nay chúng tôi đang còn thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này”, ông Phớc báo tin vui. Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng.
“Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến giải pháp hỗ trợ trong những giai đoạn khó khăn và sẽ bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động,” ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Cũng tham gia trả lời về chính sách hỗ trợ cho người lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thêm theo Luật Việc làm thì bản chất của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là “bà đỡ” cho thị trường lao động.
Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thường vụ Quốc hội đã có quyết định chi hàng chục nghìn tỷ từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và chính sách này đã góp phần rất quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người lao động và củng cố niềm tin, sự hào hứng của người tham gia bảo hiểm.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay kết dư khoảng 60.000 tỷ. Trong hoàn cảnh hiện nay thì với kết dư cao cộng với một số quỹ khác, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nghiên cứu và cùng với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tính toán làm sao sử dụng kết dư này có hiệu quả hơn.
"Chính sách hỗ trợ tập trung vào 3 nội dung chính: Một là hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, bị mất việc; thứ hai là hỗ trợ đào tạo nghề; thứ ba là cân nhắc giảm mức đóng để giúp đỡ một phần cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn," tư lệnh ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm trong quá trình sửa Luật Việc làm sắp tới cũng có một chương quy định riêng về bảo hiểm thất nghiệp. Để bảo hiểm thất nghiệp thực chất phải là "bà đỡ" cho thị trường lao động thì các quy định sẽ được xây dựng, sửa đổi để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn thì dùng bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ. Đặc biệt quy định mới sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, miễn giảm chi phí hỗ trợ từ các nguồn kết dư khi kết dư được cao.
Về thực hiện gói hỗ trợ thuê nhà theo Quyết định số 08 chưa giải ngân hết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Quốc hội cho phép dùng tối đa 6.800 tỷ đồng hỗ trợ nhằm kéo lao động trở lại thị trường. Sau khi Quốc hội có chủ trương, Chính phủ có quyết định đưa tiêu chí phân bố về tỉnh thành.
“Gói hỗ trợ dùng hết hơn 4.500 tỷ đồng. Tất cả đối tượng thuộc diện hỗ trợ đều đã nhận được tiền theo quy định,” Bộ trưởng Dung cho hay.
Người đứng đầu ngành Lao động-Thương Binh và Xã hội cho biết còn lại hơn 2.300 tỷ đồng từ gói hỗ trợ tiền thuê nhà chưa sử dụng hết sẽ hoàn trả lại ngân sách. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xin ý kiến để dùng khoản này hỗ trợ lao động trong các gói khác và thẩm quyền quyết định thuộc Chính phủ, Quốc hội.