Mới đây, Bộ Tài chính thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi Tờ trình Quốc hội đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Luật Giá (sửa đổi).
Đề xuất tiếp tục giữ lại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Lý do được Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.
Thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi Tờ trình Luật Giá sửa đổi để Quốc hội cho ý kiến trước khi thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV ngày 20/10.
Trước đó, trong dự thảo Luật Giá lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Sau khi đề xuất này đưa ra, có nhiều luồng ý kiến khác nhau giữa ủng hộ bỏ quỹ, ngược lại có ý kiến yêu cầu tiếp tục duy trì.
Với ý kiến đồng thuận bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đa số đều tán thành việc bỏ quỹ này để thị trường vận động linh hoạt, đồng thời họ cho rằng việc quỹ tồn tại từ năm 2009 cho đến nay đã hoàn thành xứ mệnh lịch sử, thị trường xăng dầu Việt Nam đã vận động theo cơ chế cạnh tranh nên không cần thiết phải duy trì quỹ bình ổn.
Trong khi đó, ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho rằng việc tiếp tục duy trì quỹ này giúp kiềm chế lạm phát, vấn đề giá xăng dầu đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.
Ngày 19/9, tại phiên thảo luận về dự Luật Giá (sửa đổi) ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bởi đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.
Tại Tờ trình về Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Giá sửa đổi nhấn mạnh: Trên cơ sở đó, tại dự thảo gửi lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng, có đề nghị rà soát đánh giá để xem xét sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
"Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật", Tờ trình nêu.
Do vậy, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.
Vì vậy, trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên "công cụ Quỹ Bình ổn giá vẫn cần thiết", Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội nêu.
Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.
Theo Tờ trình Dự thảo Luật Giá sửa đổi, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật Giá (được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2021/NĐ-CP).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Khác với các quỹ tài chính khác, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung.
Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá. Thực tế việc quy định tại Luật Giá chỉ có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Nhiều ý kiến khác nhau
Đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tại Báo cáo số 463-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, tuy chưa kiến nghị bỏ quỹ nhưng cũng có đoạn nêu về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã không còn phù hợp.
Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Về dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, các chuyên gia nêu các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới.
Trước đó, cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi, Bộ Công Thương phản hồi: Nếu bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu, Bộ Tài chính cần bỏ công bố giá được hướng dẫn tại Danh mục hàng hoá dịch vụ do nhà nước định giá và thực hiện quản lý giá như đối với các hàng hoá thiết yếu khác, khi đó mặt hàng xăng dầu chỉ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá (mặt hàng tiêu dùng phổ biến).
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải thực hiện kê khai giá, niêm yết, bán đúng giá niêm yết và áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính bỏ mặt hàng xăng dầu ra khơi danh mục hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá và chỉ để mặt hàng xăng dầu vào danh mục hàng bình ổn giá (trong trường hợp bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu).
Hiện, mỗi lít xăng dầu phải gánh 300 đồng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, mức trích lập quỹ này không cố định mà sẽ có tăng, giảm theo diễn biến của thị trường. Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ cân nhắc trích lập hoặc không trích Quỹ Bình ổn xăng dầu nếu các yếu tố giá đầu vào tăng ảnh hưởng đến giá cơ sở tính giá điều hành xăng dầu.
Bộ trưởng Tài chính: Quỹ bình ổn xăng dầu là công cụ rất hữu ích
Ngày 20/11, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cùng 14 bị cáo trong vụ Xuyên Việt Oil hầu tòa
Vụ Xuyên Việt Oil: Sếp ngân hàng ưu đãi, bà trùm xăng dầu cấp giới hạn tín dụng