Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Gần 1 triệu doanh nghiệp tạo ra khoảng 60% GDP cả nước
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có hơn 940.000 doanh nghiệp hoạt động.
Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc gặp gỡ doanh nghiệp nhằm trao đổi về nhiệm vụ, giải pháp giúp khối tư nhân tăng tốc, bứt phá, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, cùng với sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn. Cuộc gặp còn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng đại diện 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của cả khu vực nhà nước và tư nhân.
Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Thường trực Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp nhân dịp đầu Xuân 2025. Không chỉ là dịp để khích lệ tinh thần doanh nhân, hội nghị còn là diễn đàn để Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ khó khăn và cùng doanh nghiệp bàn bạc các giải pháp phát triển trong thời gian tới.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại cuộc gặp gỡ ngày 10/2 |
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có hơn 940.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt mức kỷ lục với hơn 233.000 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ lớn mạnh về số lượng mà còn khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động.
Năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra. GDP tăng trưởng 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD (đứng thứ 33 thế giới). Xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu.
Năm 2024 cũng chứng kiến những cải cách đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ đã sửa đổi 4 luật quan trọng (Quy hoạch, Đầu tư, PPP và Đấu thầu) cùng 9 luật trong lĩnh vực tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Các quy định mới về thủ tục đầu tư đặc biệt cũng giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Thủ tướng đã thành lập nhiều Ban chỉ đạo và tổ công tác để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có Ban chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư, giúp giải quyết ách tắc tại 12 dự án trọng điểm ở TP. HCM và 5 dự án tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục chính sách gia hạn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất. Đến nay, toàn bộ 111 quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và ngành đã được xây dựng, phê duyệt, giúp doanh nghiệp định hướng rõ ràng trong chiến lược phát triển.
Dù đạt nhiều thành tựu, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân, còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, thúc đẩy cải cách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vươn lên, đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự phát triển của đất nước.
>> Hôm nay, Thủ tướng sẽ họp bàn chiến lược cùng Vingroup, Sovico, Thaco, Hoà Phát, Masan, T&T...
Cà phê Việt 'mở hàng' hoành tráng đầu năm: Thu về 763 triệu USD, lập kỷ lục lịch sử
Quảng Ngãi muốn đưa sân bay Lý Sơn vào quy hoạch hàng không, đầu tư theo hình thức BOT