Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Ông Trump vẫn giữ nguyên lập trường về thuế
Bất chấp thị trường lao dốc, Tổng thống vẫn khẳng định trên mạng xã hội, 'Chính sách của tôi sẽ không bao giờ thay đổi'.
Trước “Ngày giải phóng” 2/4 của Donald Trump, các nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài liên tục đổ về Washington với hy vọng giành được một thỏa thuận mà Tổng thống không thể từ chối, và qua đó tránh được các đòn thuế quan của ông.
Tuy nhiên, không ai thành công. Ông Trump đã viện đến quyền hạn khẩn cấp hiếm khi được sử dụng để áp thuế từ 10% đến 50% đối với hầu như mọi quốc gia trên thế giới, nhắm trực diện vào hệ thống thương mại toàn cầu mà ông cho là đã “lợi dụng nước Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua”.

Hiện thế giới đang đặt câu hỏi: Liệu ông Trump có thực sự muốn giữ các mức thuế này hay chỉ đang tạo sức ép để đàm phán? Vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh ngay sau tuyên bố của ông.
2 ngày sau khi ông Trump công bố loạt thuế quan mới tại vườn hồng Nhà Trắng, các quan chức Mỹ lại cho thấy rằng việc đạt được thỏa thuận với các chính phủ nước ngoài không phải là ưu tiên của ông, dù ông đã một số cuộc thảo luận với lãnh đạo các nước.
Các quan chức Nhà Trắng cảnh báo rằng việc Tổng thống sẵn sàng “nhấc máy” không đồng nghĩa với việc ông sẵn sàng đàm phán nghiêm túc để hạ thuế.
Nhà Trắng đang tập trung vào việc triển khai các biện pháp thuế, và đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho bất kỳ thỏa thuận nào nhằm nới lỏng các chính sách này.
“Một cuộc gọi không phải là một cuộc đàm phán – cho đến khi nó thực sự là một cuộc đàm phán”, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Trước đó trong ngày, Trump dường như càng quyết liệt hơn với chính sách thuế quan của mình, bất chấp việc ông đã gây ra đợt bán tháo tồi tệ nhất ở Phố Wall kể từ khủng hoảng COVID-19 năm 2020.
“GỬI TỚI NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ ĐANG ĐỔ TIỀN VÀO MỸ: CHÍNH SÁCH CỦA TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”, Trump viết trên nền tảng Truth Social. “ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM TUYỆT VỜI ĐỂ GIÀU – GIÀU HƠN BAO GIỜ HẾT!!!”

Các quan chức Mỹ đang cố gắng nhấn mạnh rằng việc áp thuế – dựa trên Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) – là phản ứng đối với hàng chục năm thực hành thương mại không công bằng từ các đối tác và đồng minh của Mỹ. Mục tiêu là đưa chuỗi sản xuất quay lại nội địa và tạo thêm việc làm cho người Mỹ.
“Đây không phải là đàm phán”, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng khẳng định hôm thứ Tư. “Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Một nguồn tin thân cận với chính quyền tiết lộ rằng ông Trump hiểu rằng để lôi kéo các công ty chuyển nhà máy về Mỹ, thuế quan cần được duy trì lâu dài. “Các doanh nghiệp cần sự chắc chắn rằng đây là môi trường chính sách mới”, người này nói.
Một quan chức Nhà Trắng khác cho biết Mỹ đang không đàm phán về “những nhượng bộ cụ thể” với bất kỳ nước nào. “Chúng tôi chỉ đang nhìn vào vấn đề thâm hụt thương mại”, ông nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cuối tuần trước cũng gạt bỏ khả năng có các cuộc đàm phán nhanh với các đối tác thương mại lớn nhằm giảm thuế.
“Tôi nghĩ điều quan trọng hơn cả các cuộc trao đổi với chính phủ nước ngoài chính là các cuộc trò chuyện với doanh nghiệp”, Bessent nói trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình cánh hữu Tucker Carlson.
Nỗ lực trấn an thị trường của ông Bessent chủ yếu xoay quanh việc ông từng phát biểu rằng các mức thuế chỉ tăng thêm đối với những quốc gia trả đũa các biện pháp thương mại của Mỹ – còn lại thì mức thuế công bố tuần này đã là giới hạn trên.
Phản ứng trước việc Mỹ áp thêm thuế 34% lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đáp trả bằng việc áp mức thuế tương tự 34% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Ông Trump lập tức phản ứng trên mạng xã hội: “TRUNG QUỐC ĐÃ CHƠI SAI NƯỚC, HỌ ĐANG HOẢNG LOẠN, ĐIỀU DUY NHẤT HỌ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM!”

Ông Bessent nói với Carlson rằng “kịch bản trong mơ” là một thỏa thuận lớn trong đó Trung Quốc tái cân bằng mô hình kinh tế, nhưng cảnh báo điều đó sẽ không thể xảy ra “trong một tháng”, mà “trong vài năm tới họ sẽ phải điều chỉnh”.
Ông cũng nói thêm, “Châu Âu sẽ phản ứng quyết liệt, nhưng tôi nghĩ cuối cùng họ cũng phải tái cân bằng thôi”,
Những phát ngôn cứng rắn này vẫn không ngăn cản các nhà ngoại giao và doanh nhân tìm cách tiếp cận Tổng thống trong những ngày gần đây.
Đại diện thương mại hàng đầu của EU, Maroš Šefčovič, đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào ngày 4/4. Theo nội dung được công bố sau cuộc họp, ông Šefčovič nhấn mạnh Liên minh châu Âu “cam kết đối thoại nghiêm túc”.
Everett Eissenstat, cựu quan chức thương mại trong nhiệm kỳ đầu của Trump và hiện là đối tác tại hãng luật Squire Patton Boggs, tin rằng Tổng thống vẫn sẵn sàng cho các thỏa thuận.
Nhưng ông cũng cảnh báo, “Tôi nghĩ cuối cùng, thuế vẫn sẽ cao hơn, và chúng ta có thể sẽ kết thúc bằng một cách rất đặc biệt kiểu Trump, với một mức thuế phổ quát nhưng có tính linh hoạt để đàm phán”.
Theo FT
>> 5.000 tỷ USD ‘bốc hơi’ trong 48 giờ, JP Morgan cảnh báo: ‘Suy thoái toàn cầu đang tới rất gần’