Bộ Xây dựng: 'Bất động sản nhiều tín hiệu tích cực, phục hồi tốt'
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu quý III, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực. Trong đó, lượng tìm kiếm giao dịch đất nền, chung cư,... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Chung cư tiếp đà tăng giá
Thông tin trên được ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra tại họp báo thường kỳ quý III được Bộ Xây dựng tổ chức ngày 19/10.
Với những tháo gỡ tích cực cho thị trường bất động sản thời gian qua, ông Hải cho biết, trong quý III, nguồn cung bất động sản có sự tăng trưởng rõ rệt.
Theo đó, so với quý II/2023, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III tăng 300%, số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở tăng 144% và số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng mới trong quý III tương đương với quý II (15 dự án).
Về tình hình giao dịch, Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 tháng qua, có gần 30.000 giao dịch thành công đối với căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ.
Phân khúc đất nền có hơn 91.000 giao dịch thành công, bằng 135,72% so với quý II.
Về giá bất căn hộ chung cư, vị Cục trưởng cho biết, trong quý III, theo tổng hợp báo cáo và thông tin khảo sát đánh giá của các địa phương, các tổ chức nghiên cứu thị trường thì chung cư là loại hình bất động sản ít bị ảnh hưởng nhất bởi các tác động tiêu cực của thị trường trong năm qua do loại hình này phục vụ nhu cầu ở thực.
Mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua cư tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước.
Trong đó, các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất. Tại các thành phố lớn hiện đã có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung ở phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng tại khu vực lõi trung tâm.
Ghi nhận tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới trong quý III tăng gần 7% theo quý, tăng 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2.
Tại TP.HCM, trong quý III, số lượng căn hộ mở bán mới đa phần đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Khoảng 60% nguồn cung mới trong 9 tháng đầu năm 2023 đến từ một dự án khu đô thị ở phía Đông. Khoảng 96% nguồn cung mới của quý III đến từ phân khúc cao cấp và 4% nguồn cung mới còn lại thuộc phân khúc hạng sang, từ giai đoạn tiếp theo của một dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ TP.HCM trong quý III đạt hơn 60 triệu đồng/m2.
Đất nền chững giá
Theo Bộ Xây dựng, trong quý III/2023, nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của các nhà đầu tư tới các sản phẩm đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án bất động sản đã tăng so với quý trước. Tuy nhiên tình hình giao dịch nhìn chung chưa có nhiều cải thiện.
Giá giao dịch phân khúc bất động sản biệt thự liền kề, nhà ở riêng lẻ và đất nền dự án ở nhiều địa phương đã có sự chững lại về mức độ giảm giá so với quý trước.
Tại Hà Nội và TP.HCM, giá giao dịch tại khu vực trung tâm cơ bản ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ trong khi các quận, huyện ven đô và khu vực ngoại thành có mức độ giảm nhiều hơn.
Còn tại TP.HCM, giá đất nền tại Thủ Thiêm Villa (quận 2) có giá khoảng 126,2 triệu đồng/m2, The EverRich III (quận 7) có giá khoảng 115,5 triệu đồng/m2, Đông Tăng Long (quận 7) có giá khoảng 66,2 triệu đồng/m2, Hoàng Anh Minh Tuấn (quận 9) có giá khoảng 91,5 triệu đồng/m2, Kim Sơn (quận 7) giá khoảng 136,5 triệu đồng/m2, Khu dân cư Kiến Á (quận 9) giá khoảng 72 triệu đồng/m2…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, tổ công tác do Bộ Xây dựng chủ trì đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân (gồm: 7 văn bản của 5 địa phương; 110 văn bản của 69 doanh nghiệp; 2 văn bản của Hiệp hội bất động sản TPHCM và 11 văn bản của người dân) liên quan đến 183 dự án bất động sản).
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 123 văn bản (trong đó có 112 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; có 11 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao).