Bộ Y tế đề xuất tăng chi ngân sách, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế
Kiến nghị với Quốc hội, Bộ Y tế cho rằng cần quan tâm và tăng chi ngân sách hàng năm cho lĩnh vực y tế, đồng thời đảm bảo tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước.
Những chỉ tiêu của Bộ Y tế trong năm 2025
Trong kế hoạch số 927/KH-BYT về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025 vừa được ban hành, Bộ Y tế nêu rõ lĩnh vực y tế cần được quan tâm nhiều hơn. Đồng thời chi ngân sách cho ngành này cần được tăng lên với tốc độ cao hơn tốc độ chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước.
Trong năm 2024, Bộ Y tế đã được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo các Nghị quyết quan trọng từ Quốc hội và Chính phủ. Cụ thể, Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu quan trọng, tạo điều kiện để ngành Y tế phát triển, vươn tầm và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân.
Chi tiết 3 chỉ tiêu ngành Y tế được giao và hướng tới thực hiện trong năm nay:
- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 13,5 bác sĩ: Ước thực hiện năm 2024 là 14 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao.
- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32,5 giường bệnh: Ước thực hiện năm 2024 là 34 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao.
-Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 94,1% dân số: Ước thực hiện năm 2024 đạt chỉ tiêu được giao là 94,13%.
Với những kết quả cụ thể trên, trong năm 2025, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu như sau: tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 15 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34,5 giường bệnh.
Trong Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho ngành như sau:
Chỉ tiêu từng lĩnh vực |
Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình
Với những chỉ tiêu của Chính phủ và Quốc hội đề ra, Bộ Y tế đã có những kiến nghị nhất định để thực hiện hóa các chỉ tiêu đó. Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm và ưu tiên tăng chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước. Điều này sẽ tạo ra nguồn tài chính vững chắc cho y tế Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Đồng thời, Bộ Y tế kiến nghị tập trung ngân sách Nhà nước ưu tiên cho các lĩnh vực then chốt như y tế dự phòng, y tế cơ sở, hỗ trợ các bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và các lĩnh vực như phong, lao, tâm thần - theo chỉ đạo tại các Nghị quyết số 18/2008/QH12 trọng điểm của Quốc hội và Trung ương Đảng.
Trong năm 2024, Quốc hội sẽ xem xét thông qua hai dự án luật quan trọng liên quan đến ngành y tế. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới các dự án như Luật Phòng bệnh, Luật về thiết bị y tế và Luật Dân số. Những điều chỉnh này nhằm hoàn thiện pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý dược phẩm và bảo đảm quyền lợi của người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y tế. Điều này sẽ tạo động lực, thu hút những nhân tài tham gia và gắn bó lâu dài với ngành y tế. Đặc biệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ tương đương với ngành sư phạm. Cụ thể, sinh viên y, dược sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí trong thời gian học tập tại các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, họ còn được hỗ trợ chi trả các chi phí sinh hoạt cần thiết, giúp an tâm và chuyên tâm vào việc học.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và tháo gỡ những khó khăn. Trước mắt, các bộ sẽ tập trung sửa đổi và hoàn thiện cơ chế tự chủ, nâng cao chất lượng quản trị tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đây là nền tảng quan trọng để các bệnh viện, trạm y tế chủ động và linh hoạt hơn trong hoạt động. Bên cạnh đó, các bộ cũng sẽ đồng loạt rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đảm bảo tính hợp lý và công bằng. Đồng thời, các phương thức chi trả, thanh toán chi phí bảo hiểm y tế cũng sẽ được cải tiến để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Bộ Y tế đề nghị các bộ ủng hộ việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp với ngân sách Nhà nước và khả năng chi trả của nhân dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như tính chi phí quản lý, khấu hao, chi phí nhân lực phục vụ chăm sóc toàn diện vào giá dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Sức khỏe của người dân là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của mỗi địa phương. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương hãy mạnh dạn đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe, y tế và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây không chỉ là giải pháp cấp thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn là chìa khóa vàng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bao trùm của từng vùng, miền.
Bộ Y tế đề xuất có thêm gói bảo hiểm y tế bổ sung
Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh phạm vi hưởng BHYT có lợi cho người dân