Các chiêu trò lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi hơn khiến người dân dễ sa vào bẫy do kẻ gian tạo nên và mất hết tài sản cá nhân của mình.
Bức ảnh đầy ý nghĩa dưới đây được chụp tại thang máy một toà nhà chung cư tại Khu đô thị Ecopark. Được biết, đây là một trong những nỗ lực của cơ quan công an trong việc cảnh báo người dân tránh những cạm bẫy mà những kẻ lừa đảo đang "giăng" khắp mạng xã hội, tin nhắn.
Theo khuyến cáo, có 10 điều người dân phải hết sức lưu ý để phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo, bao gồm:
1. Tuyển cộng tác viên bán hàng online; thực hiện nhiệm vụ thanh toán đơn hàng trên Shopee, Sendo, Lazada,... với hoa hồng hấp dẫn. Lần 1, lần 2 các đơn hàng có giá trị thấp thì đối tượng chuyển cả gốc và lãi, từ lần thứ 3 trở đi với các đơn hàng có giá trị cao hơn thì bị chiếm đoạt.
Đây là hình thức lừa đảo đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân vẫn bị "sập bẫy". Với hình thức này, các đối tượng sẽ mạo danh nhân viên của: Shopee, Lazada, Tiki... lôi kéo tham gia cộng tác viên bán hàng online với “hoa hồng” hấp dẫn mà không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà, có sử dụng thẻ ATM, điện thoại, laptop...
Bị hại sẽ được hướng dẫn đặt đơn hàng có giá trị nhỏ bằng cách chuyển tiền mua sản phẩm vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định và chụp hình chuyển tiền gửi lại cho đối tượng để xác thực.
Sau đó, bị hại được thanh toán lại tiền mua hàng kèm tiền hoa hồng như đã hứa để tạo lòng tin.
Tuy nhiên, khi bị hại nộp số tiền lớn để đặt mua hàng, lúc này các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu mua thêm hàng. Nạn nhân vì muốn lấy lại số tiền mua sản phẩm ban đầu nên cứ làm theo và bị chiếm đoạt tiền nhiều lần.
2. Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,... gọi điện thông báo bị hại có liên quan đến vụ án hoặc thông báo nộp phạt giao thông và yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền.
Nhiều người khi nhận được những cuộc gọi như trên đều rất lo sợ và cung cấp hết thông tin cá nhân, số tiền hiện có thì bị các đối tượng này yêu cầu chuyển số tiền vào số tài khoản lạ để xác minh. Nếu bị hại không tỉnh táo trước các chiêu thức này sẽ bị lừa mất hết số tiền trong tài khoản của mình.
Bên cạnh đó cũng có một hình thức lừa đảo tương tự. Đó là các đối tượng sẽ giả danh là người quen của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu. Sau đó, nhóm lừa đảo cung cấp cho nạn nhân hình ảnh, video của bản thân với các lãnh đạo (hình ảnh, clip được cắt ghép, chỉnh sửa) để tạo niềm tin. Sau đó, hứa hẹn với người dân có thể chạy án, xin việc, xin dự án… và cuối cùng nhận tiền của nạn nhân rồi “biến mất”.
3. Kết bạn, làm quen qua mạng xã hội, hứa tặng quà; sau đó có đối tượng giới thiệu là nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nộp phí để được nhận quà.
Trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram,... nhận được lời mời kết bạn từ những người lạ là điều không hiếm gặp. Lợi dụng điều đó, một số đối tượng đã lập các nick ảo để kết bạn, làm quen và nhắn tin, trò chuyện với các "con mồi".
Sau khi đã chiếm được lòng tin, tài khoản này sẽ ngỏ ý muốn tặng quà với giá trị lớn mà người nhận không cần phải trả bất kỳ khoản tiền nào.
Tuy nhiên sau đó sẽ có số điện thoại tự xưng là nhân viên sân bay/cửa khẩu gọi đến và yêu cầu người nhận chuyển phí nhận hàng/thuế để nhận quà. Thông thường, số tiền có thể là vài triệu, vài chục triệu hoặc thậm chí vài trăm triệu tùy theo giá trị món quà.
Tuy hành vi lừa đảo qua mạng này đã có từ vài năm trước nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều người nhẹ dạ cả tin và mắc bẫy của kẻ gian lừa đảo.
4. Giả mạo hoặc hack tài khoản Zalo, Facebook,... của người khác để nhắn tin, gọi điện vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền.
Hiện nay, số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... ở nước ta rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo hoặc hack các tài khoản rồi nhắn tin mượn tiền, nạp tiền từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp chủ tài khoản.
Hình thức lừa đảo qua mạng này đã phổ biến, nhiều người biết nên kẻ gian cũng ngày một nâng cấp hơn.
Nhiều người cho biết, khi nhận được tin nhắn như thế đã yêu cầu gọi video trực tiếp để thấy mặt thì mới tin đó thật sự là chủ tài khoản. Nhưng kẻ gian đã “cao tay” hơn, in hình của chủ tài khoản và để xa xa, gọi video 2-3 giây rồi tắt máy.
5. Nhắn tin trúng thưởng và yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Với hình thức này, các nạn nhân sẽ nhận được cuộc gọi thông báo trúng thưởng của đối tượng lạ, tự xưng là nhân viên của công ty X nào đó.
Để tạo lòng tin cho nạn nhân, khi gọi điện đến, các đối tượng còn cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, số Zalo...
Sau đó, các đối tượng này sẽ lấy lý do số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên yêu cầu nạn nhân phải đóng tiền cọc để nhận thưởng.
Ngoài hình thức chuyển tiền thuế, đối tượng lừa đảo còn đưa thêm chiêu trò dụ dỗ người tiêu dùng mua thêm sản phẩm để nhận thêm mã quay thưởng với lời hứa hẹn càng mua nhiều mã, càng trúng thưởng nhiều, số tiền trúng thưởng càng lớn.
6. Mạo danh nhân viên nhà mạng, nhân viên ngân hàng,... hướng dẫn bị hại soạn tin nhắn theo cú pháp hoặc yêu cầu bị hại truy cập vào đường link để chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại và đánh cắp tài khoản ngân hàng.
Đây là một thủ đoạn lừa đảo qua mạng vô cùng tinh vi khi các đối tượng cung cấp các đường link truy cập giống đường link chính thức của ngân hàng, nhà mạng đến 90%. Nếu người dùng truy cập vào các đường link này, nhập số tài khoản và mật khẩu ngân hàng thì sẽ mất hết toàn bộ số tiền đang có hoặc bị mất quyền sử dụng sim điện thoại.
7. Chào mời tham gia đầu tư tài chính qua các sàn giao dịch chứng khoán, tiền ảo, sàn ngoại hối hoặc đầu tư tiền kỹ thuật số với cam kết lợi nhuận cao.
Thủ đoạn là giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo là một chiêu trò mới xuất hiện gần đây. Các đối tượng này sẽ tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tư vấn, mời gọi nạn nhân tham gia.
Ban đầu nạn nhân đầu tư số tiền nhỏ sẽ nhận được mức lãi cao và rút được tiền gốc cùng lợi nhuận ra khỏi tài khoản. Sau khi đã chiếm được lòng tin, các đối tượng sẽ tiếp tục đưa ra các thông tin dụ dỗ nạn nhân đầu tư với số tiền lớn hơn.
Cuối cùng, các đối tượng này sẽ lấy lý do số tài khoản sai nhiều lần cần phải thanh tra do số tiền quá lớn nên không rút được.
Loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội facebook, Zalo, telegram… để đưa ra các thông tin đánh vào sự thiếu hiểu biết và lòng tham, muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của các nạn nhân.
8. Giả mạo hòm thư điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, sản xuất yêu cầu chuyển tiền thanh toán theo hợp đồng.
Với hành vi này, các đối tượng lừa đảo sẽ lập các hộp thư điện tử tương tự hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch bằng thư điện tử, mạo danh đối tác để đề nghị các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng và chiếm đoạt.
9. Cố ý chuyển nhầm tài khoản để lừa đảo, ép vay nặng lãi.
Sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý “chuyển nhầm" một khoản tiền đến cho “con mồi".
Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ với con mồi. Lúc này chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ.
10. Mạo danh Công ty tài chính quảng cáo, chào mới vay tiền online với các thủ tục đơn giản.
Kịch bản thường được các đối tượng thực hiện là mạo danh qua điện thoại tự xưng là nhân viên của các ngân hàng, công ty tài chính uy tín mời chào vay vốn nhiều ưu đãi, như cam kết hỗ trợ nợ xấu, thủ tục đơn giản không qua thẩm định, giải ngân trong vòng 1 giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp… để thu hút khách hàng.
Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online hoặc địa chỉ website giả mạo theo thương hiệu với logo, hình ảnh, tên gọi, nhận diện… của các ngân hàng, công ty tài chính, công nghệ tài chính uy tín để đăng ký vay.
Để tăng độ tin cậy, các đối tượng thậm chí gửi thông báo phê duyệt khoản vay cho khách hàng với con dấu giả của các ngân hàng. Tiếp theo, kẻ lừa đảo yêu cầu, hối thúc người vay chuyển trước cho chúng một số tiền để xác nhận khoản vay hoặc chứng minh khả năng tài chính của người vay…, thường từ 10% – 15% giá trị khoản vay được duyệt.
Tin tưởng thông báo tiền sẽ được hoàn trả cùng khoản vay sau khi nhận chuyển khoản, nhiều người đã mất trắng khoản tiền này, khi đối tượng lừa đảo ngay lập tức chặn liên lạc.
Các biện pháp phòng tránh lừa đảo
Có thể thấy lừa đảo là dạng tội phạm luôn luôn có sự biến đổi và tồn tại dưới nhiều hình thức, chiêu trò, từ đơn giản đến tinh vi. Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp lừa đảo; các cơ quan báo chí cũng thường xuyên thông tin, cảnh báo để người dân cảnh giác, nhưng loại tội phạm này ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay.
Các "con mồi" của các chiêu trò lừa đảo chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi. Khi bị "sập bẫy", nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn có thể bị mắc nợ, rò rỉ thông tin cá nhân, bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối,...
Vì vậy, cơ quan công an cũng đưa ra các khuyến cáo cho người dân để phòng ngừa các hành vi lừa đảo:
1. Không đăng tải lên mạng xã hội hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, mã OTP ngân hàng, mật khẩu ví điện tử cho người khác.
2. Không truy cập vào các đường link lạ; không thực hiện các thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.
3. Không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát.
4. Gọi điện xác nhận, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
5. Liên hệ với ngân hàng để được hướng dẫn giải quyết khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm".
6. Nhanh chóng trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với đồng chí Trung tá Nguyễn Khánh Hoài, Đội trưởng đội CSĐTTP về HS-KT-MT, SĐT: 0912.128.988 để được hướng dẫn giải quyết.
Tình trạng tội phạm lợi dụng các trang mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã và đang diễn ra phức tạp. Đáng lo ngại, các đối tượng thường xuyên có những thủ đoạn mới và tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khiến không ít người dân mất cảnh giác và dễ dàng “sập bẫy”.
Để phòng tránh rủi ro, người dân luôn đề cao cảnh giác và nhận biết một số dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội để tránh mất tiền oan.
Các cơ quan công an cũng đang thực hiện các biện pháp tuyên truyền bằng hình thức dán thông báo tại các địa bàn dân cư, từ các tòa chung cư đến các ngõ xóm, đường làng, người dân sẽ thêm nhận thức, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mà các đối tượng đang thực hiện hiện nay, góp phần phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang vốn nhức nhối trên địa bàn.
[Cảnh báo] Ứng dụng mạo danh Chứng khoán CSI dùng cổ phiếu REE để lừa đảo nhà đầu tư
Phá đường dây làm giả 'thẻ ngành' công an, quân đội để lừa đảo
Nghi ngờ bị lấy cắp thông tin CCCD để vay tiền, người dân kiểm tra ngay bằng 2 cách đơn giản sau