Bức tranh tình hình kinh doanh đối lập của ngành đường sắt và hàng không sau đại dịch

02-11-2023 22:48|Yên Hoàng

Ngành đường sắt đang có cú lội ngược dòng ấn tượng, trong khi ngành hàng không vẫn đang chật vật gồng lỗ.

Đường sắt bứt phá từ vùng đáy

Năm năm vừa qua là một giai đoạn vô cùng đặc biệt của ngành đường sắt Việt Nam. Ngoài những khó khăn mang tính "truyền thống" như hệ thống kết cấu hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, đường đơn, bị cắt cụt nhiều tuyến kết nối, năng lực thông quan hạn hẹp, hệ thống phương tiện chưa được đầu tư đồng bộ… sự bất ổn định về chính trị thế giới gây lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến việc duy trì giá cước cạnh tranh so với các phương tiện vận tải khác.

Đặc biệt trong 3 năm 2020, 2021, 2022, ngành đường sắt Việt Nam không đạt được mục tiêu về lượng hàng, khách, doanh thu chủ yếu là do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Xác định cần một cuộc "lột xác", sau đại dịch, với những chính sách hỗ trợ, kích cầu và mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngành đường sắt đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tích cực triển khai nhiều giải pháp quan trọng để phục hồi vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường sắt và đã đạt được những thành quả rực rỡ.

Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (mã HRT) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 3/2023 đầy bất ngờ với mức lãi sau thuế trong quý 3 gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 54 tỉ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, VTĐS Hà Nội đạt hơn 1.895 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ. Năm 2023, HRT đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.517 tỷ đồng, lãi sau thuế dự kiến 500 triệu đồng. Vậy mà chỉ sau 9 tháng, HRT đã thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm.

Bức tranh tình hình kinh doanh đối lập của ngành đường sắt và hàng không sau đại dịch

Tương tự, báo cáo tài chính quý 3/2023 của CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (mã SRT) cũng "đẹp lung linh" với mức lãi sau thuế 43 tỷ đồng trong quý 3, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức lãi theo quý kỷ lục từ trước tới nay.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Vận tải Đường sắt Sài Gòn ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ. Với kết quả này, SRT đã thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và đạt mức lợi nhuận gấp hơn 130 lần so với mục tiêu 600 triệu đồng của cả năm 2023.

Bức tranh tình hình kinh doanh đối lập của ngành đường sắt và hàng không sau đại dịch

Lãnh đạo Đường sắt Sài Gòn cho biết 9 tháng đầu năm 2023, nhu cầu đi lại của khách nội địa và du khách nước ngoài tăng cao, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp hè 2023. Do đó, doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hóa của công ty trong 9 tháng có bước tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Hàng không vẫn chật vật thu không đủ bù chi

Trong khi ngành đường sắt đang dần lấy lại "tốc độ" thì ngành hàng không vẫn chưa tìm được lối thoát cho giai đoạn khó khăn lịch sử.

Mới đây Vietnam Airlines (HVN) báo lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 âm 2.203 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 2.547 tỷ, đây là quý thứ 15 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 68.089 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ 2022. Do gánh nặng chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên HVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 3.329 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 7.574 tỷ đồng.

Bức tranh tình hình kinh doanh đối lập của ngành đường sắt và hàng không sau đại dịch

Đại diện Vietnam Airlines cho biết tại đơn vị này, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%, từ mức 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023, khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng trên 8.000 tỷ đồng.

Chưa kể, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% là chi phí bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại VN lại bằng tiền đồng. Những biến động tỷ giá giữa USD và tiền đồng đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không. "Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng cũng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỉ đồng.

Ngoài ra, nếu tỷ giá USD/VND cuối kỳ năm 2023 tăng 100 đồng so với kế hoạch dự kiến hạch toán sẽ làm giảm lợi nhuận của Vietnam Airlines khoảng 74 tỷ đồng do đánh giá lại nợ vay dài hạn gốc USD", đại diện Vietnam Airlines thông tin.

Các ban lãnh đạo của Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng cho biết nửa đầu năm còn lỗ. Theo lý giải của lãnh đạo Vietravel Airlines, hạ tầng hàng không của VN vẫn đang trong quá trình phát triển nên tình trạng quá tải đang gây áp lực cho việc phục hồi và phát triển của ngành.

Trong những đợt cao điểm như nghỉ lễ, tết Nguyên đán…, nhu cầu tăng cao nhưng hạ tầng tắc nghẽn khiến các hãng hàng không có khách nhưng không thể phục vụ hết công suất. Chưa kể qua 2 năm đại dịch, hoạt động kinh doanh đóng băng, không có nguồn thu nhưng vẫn phát sinh chi phí duy trì bộ máy.

Hiện nay, tuy tình hình có phục hồi nhưng hãng vẫn gặp áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua. Ngoài ra, yếu tố được đánh giá quan trọng nhất là các hãng hàng không đang trong tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí.

Tích cực nhất có lẽ là Vietjet Air (VJC) khi báo lãi sau thuế hợp nhất 55 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vietjet ghi nhận doanh thu tăng trưởng 59% so với cùng kỳ lên 43.738 tỷ đồng, LNST tăng 2,4% so với cùng kỳ lên 192 tỷ đồng.

Bức tranh tình hình kinh doanh đối lập của ngành đường sắt và hàng không sau đại dịch

9 tháng năm 2023, Việt Nam đón 23,7 triệu lượt khách quốc tế qua các cảng hàng không, tăng gần 267%. Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 11,5 triệu khách, trong đó, Vietjet đóng góp hơn 51% với 5,9 triệu khách, hỗ trợ tích cực cho du lịch, đầu tư quốc tế. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 20,3 nghìn tấn, tăng 76% so với cùng kỳ, chiếm 23% thị phần hàng hóa do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển.

Thị trường hàng không nội địa lao dốc, những tháng cuối năm sẽ thế nào?

Cổ đông vượt trần sở hữu tại ngân hàng không được nhận cổ tức bằng tiền

Nguyên mẫu máy bay 'Made in China' nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh, có thể bay nửa vòng Trái đất chỉ trong 2 tiếng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/buc-tranh-tinh-hinh-kinh-doanh-doi-lap-cua-nganh-duong-sat-va-hang-khong-sau-dai-dich-208939.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bức tranh tình hình kinh doanh đối lập của ngành đường sắt và hàng không sau đại dịch
    POWERED BY ONECMS & INTECH