Bất động sản

Bước tiến quan trọng của cao tốc gần 18.000 tỷ giúp rút ngắn nửa thời gian đi lại giữa TP. HCM - Đà Lạt

Chi Chi 16/05/2025 20:00

Đây là bước tiến quan trọng, mang tính then chốt để dự án có thể khởi công theo đúng tiến độ.

Theo báo Lâm Đồng, ngày 15/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, đánh dấu bước đi quan trọng chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng - giai đoạn then chốt để dự án có thể chính thức khởi công.

Bước tiến quan trọng của cao tốc gần 18.000 tỷ giúp rút ngắn nửa thời gian đi lại giữa TP. HCM - Đà Lạt- Ảnh 1.
Khu vực cầu vượt nối cao tốc Liên Khương với đèo Mimosa và đèo Prenn. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Theo quyết định, việc cắm mốc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định pháp lý, bao gồm Nghị định 165/2024/NĐ-CP, Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn Giao thông đường bộ. Phạm vi giải phóng mặt bằng được xác định cụ thể cho từng loại công trình như đường cao tốc, đường gom, đường ngang, cầu cống, và được phân chia rõ theo địa hình đô thị hoặc nông thôn.

Sở Xây dựng Lâm Đồng được giao thẩm định và trình hồ sơ phê duyệt, trong khi Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh sẽ phối hợp triển khai các bước tiếp theo. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ, đảm bảo quá trình GPMB minh bạch, công bằng và đúng quy định pháp luật.

>> Chỉ 3 tháng nữa, dự án mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ chính thức khởi công

Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương là một phần trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, thuộc quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia. Tuyến có chiều dài 73,62km, vận tốc thiết kế tối đa 100km/h, với tổng mức đầu tư dự kiến 17.718 tỷ đồng.

Bước tiến quan trọng của cao tốc gần 18.000 tỷ giúp rút ngắn nửa thời gian đi lại giữa TP. HCM - Đà Lạt- Ảnh 2.
Cao tốc có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Ảnh minh họa

Điểm đầu cao tốc tại phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc), trùng với điểm cuối của cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc; điểm cuối tại nút giao với cao tốc Liên Khương – Prenn, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.

Tuyến cao tốc này được kỳ vọng tạo trục kết nối liên vùng giữa Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa, giảm tải Quốc lộ 20 - tuyến đường hiện quá tải và nhiều rủi ro tai nạn giao thông.

Với tỉnh Lâm Đồng, dự án không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chiến lược, mà còn tạo đột phá về hạ tầng cho khu vực Bảo Lộc - Đức Trọng - Đà Lạt. Khi toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành, thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Đà Lạt sẽ được rút ngắn từ 6-7 giờ còn khoảng 3 giờ. Trong đó, đoạn Bảo Lộc - Liên Khương giữ vai trò then chốt, giúp kết nối mượt mà giữa các chặng cao tốc đã và đang được đầu tư như Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc.

Dự án cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Đà Lạt thành vùng đô thị hiện đại, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh cho khu vực Tây Nguyên.

>> Tin vui với hàng loạt hầm đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam

Lâm Đồng kỷ luật cán bộ liên quan sai phạm tại dự án sân golf Đồi Cù Đà Lạt

Phan Thiết trước cuộc sáp nhập Lâm Đồng thành tỉnh rộng nhất Việt Nam

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/buoc-tien-quan-trong-cua-cao-toc-gan-18000-ty-giup-rut-ngan-nua-thoi-gian-di-lai-giua-tp-hcm-da-lat-202250516112204146.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bước tiến quan trọng của cao tốc gần 18.000 tỷ giúp rút ngắn nửa thời gian đi lại giữa TP. HCM - Đà Lạt
    POWERED BY ONECMS & INTECH