Cả thế giới chỉ còn 13 'cây thép thiên nhiên' nằm trọn ở Việt Nam: 1 cây hơn 400 tuổi được xác định là 'vô giá'
Chai lá cong (Shorea falcata), loài cây gỗ đặc hữu có độ cứng như sắt, hiện chỉ còn lại 13 cá thể cổ thụ, phân bố giới hạn tại dải rừng ven biển miền Trung nước ta.
Nằm ẩn mình giữa những cánh rừng phòng hộ ven biển Phú Yên và Khánh Hòa, cây chai lá cong dường như không được nhiều người biết đến. Thế nhưng, theo giới chuyên gia lâm nghiệp, đây chính là một "báu vật sống" mang giá trị sinh thái, kinh tế và văn hóa đặc biệt – một phần di sản thiên nhiên không thể thay thế của Việt Nam.
Theo thống kê năm 2022 của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Huế), Việt Nam hiện chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ tồn tại trong tự nhiên. Trong đó, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) là nơi có mật độ cây nhiều nhất với bảy cây; các cá thể còn lại phân bố rải rác tại khu vực ven biển Cam Ranh (Khánh Hòa).
Chai lá cong là cây gỗ lớn, có thể cao đến 30–40m khi trưởng thành, vỏ dày màu nâu xám, thân cây nứt dọc rõ nét. Điểm đặc trưng và cũng là nguồn gốc tên gọi của cây chính là hình dáng phiến lá – dài hoặc hình trứng, với phần dưới thường lệch rõ so với phần trên, tạo thành một đường cong độc đáo. Gỗ chai nổi tiếng vì độ chắc chắn, độ cứng cao, khi để khô lâu năm có thể so sánh với sắt thép – từng được sử dụng rộng rãi trong xây dựng nhà cửa, tàu thuyền và các công trình quan trọng.
Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, người có nhiều năm nghiên cứu về thực vật bản địa, cho biết những cây chai cổ thụ còn sót lại tại Phú Yên chính là các 'cây mẹ' giữ nguồn gen quý hiếm, đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực phục hồi và bảo tồn loài.
![]() |
Chai lá cong được xếp vào danh sách “rất nguy cấp”. Ảnh minh họa |
>> Loại gỗ nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, là báu vật phong thủy mà người Trung Quốc ‘khát khao’
Chai lá cong được xếp vào danh sách “rất nguy cấp” (CR – Critically Endangered) trong Danh lục đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Với số lượng ít ỏi và tốc độ sinh trưởng cực kỳ chậm – mất hàng trăm năm để trở thành cây cổ thụ – loài cây này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thực sự nếu không có hành động bảo vệ quyết liệt từ các cấp chính quyền và cộng đồng.
Không chỉ có giá trị sinh học, chai lá cong còn đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ đất, chắn gió bão và giảm xói mòn cho các vùng duyên hải – vốn ngày càng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và tác động của con người.
Thêm vào đó, trong tâm thức người dân vùng biển, cây chai lá cong còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là biểu tượng của sức sống và sự trường tồn. Trước kia, loài cây này được người dân xem như “thần mộc” trong làng, thường hiện diện ở những khu vực thiêng liêng như đình làng, miếu thờ hay các địa điểm gắn với truyền thuyết.
Tình trạng suy giảm nghiêm trọng số lượng cây chai lá cong đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về bảo tồn. Theo các nhà khoa học, cần thiết lập khu vực bảo vệ nghiêm ngặt đối với các cá thể còn sót lại, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu nhân giống và trồng phục hồi quy mô lớn trong các khu rừng ven biển.
Giải pháp bền vững cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các viện nghiên cứu, cộng đồng dân cư và tổ chức quốc tế. Việc tích hợp bảo tồn cây chai lá cong vào chiến lược phát triển rừng phòng hộ, phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường có thể mở ra hướng đi lâu dài và hiệu quả hơn.
Một tín hiệu tích cực là vào năm 2020, một cây chai lá cong gần 400 tuổi tại Cam Ranh đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Với đường kính thân lên đến 1,7 mét và chiều cao khoảng 25 mét, cây vẫn sinh trưởng khỏe mạnh và ra hoa, kết trái hàng năm – minh chứng cho sức sống mãnh liệt và khả năng thích nghi tuyệt vời của loài cây này.
>> Cây gỗ từng làm củi đốt nay thành 'vàng trắng', quý ngang với gỗ đàn hương đỏ Ấn Độ
Loại cây là 'bùa phong thủy hút lộc', giá hoa khô lên đến 250.000 đồng/kg
Loại cây dễ sống như cỏ dại, lá khô bán hơn 1 triệu đồng/kg, Việt Nam trồng làm cảnh khắp nơi