Các nhà hoạt động Đức yêu cầu Ukraine bồi thường vụ Nord Stream
Các nhà hoạt động tại Đức tuyên bố, việc phá hoại đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 không nhằm vào riêng Nga mà “trên hết, nhằm vào Đức các lợi ích và nền kinh tế của nước này”.
Các nhà hoạt động Đức vừa yêu cầu Ukraine bồi thường cho vụ nổ đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.
Theo cơ quan truyền thông Nga, phong trào Stoppt die Sanktionen ("Dừng trừng phạt") của Đức cáo buộc, sự liên quan của tình báo Ukraine trong vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9/2022 là rõ ràng. Do đó, Kiev phải bồi thường cho những thiệt hại và lợi nhuận mà Berlin bị mất vì vụ nổ 2 đường ống khí đốt này.
"Trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố này chắc chắn hoàn toàn thuộc về chính phủ và tình báo Ukraine. Cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào Đức và các nền tảng kinh tế của chúng ta là điều không thể chấp nhận. Ukraine phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cả thiệt hại vật chất phát sinh và lợi nhuận bị mất" - phong trào Stoppt die Sanktionen tuyên bố.
Tổ chức này nhấn mạnh, việc nổ tung Nord Stream 1 và Nord Stream 2 không nhằm vào riêng Nga mà “trên hết, nhằm vào Đức, các lợi ích và nền kinh tế của nước này”.
Phong trào Stoppt die Sanktionen cũng yêu cầu Đức ngừng mọi hỗ trợ cho Ukraine cho đến khi Kiev tuyên bố chịu trách nhiệm vụ tấn công đường ống Nord Stream và khắc phục thiệt hại.
“Chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm ngay lập tức mà không cần bất kỳ cuộc đàm phán nào. Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Nord Stream phải được bồi thường đầy đủ và không chậm trễ. Không được có bất kỳ cuộc đàm phán hay lời bào chữa nào" - phong trào này nhấn mạnh.
Yêu cầu Kiev bồi thường được đưa ra sau khi những chi tiết về vụ nổ đường ống Nord Stream được Der Spiegel tiết lộ vào tuần trước.
Tờ Der Spiegel của Đức hôm 20/11 đưa tin, một nhóm người Ukraine bị tình nghi đứng sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022 có mối quan hệ lâu dài với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong đó một số thành viên - bao gồm cả nghi phạm chủ mưu Roman Chervinsky - đã được các điệp viên Mỹ đào tạo trong nhiều năm.
Tạp chí Đức cho biết, nhóm này đã "lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động bí mật cho bộ máy an ninh Ukraine trong nhiều năm", nhắm đến các đường ống dẫn khí Nord Stream từ đầu năm 2019, khoảng 3 năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuyến đường ống Nord Stream cung cấp tới 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đáp ứng khoảng 16% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2018 và một nửa nhu cầu hàng năm của Đức vào năm 2021.
Theo tờ Der Spiegel, Nord Stream từ lâu đã là "cái gai trong mắt Washington". Trước vụ nổ, các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã nhiều lần chỉ trích dự án Nord Stream và kêu gọi Đức từ bỏ dự án Nord Stream 2.
Tạp chí Đức trích dẫn một nguồn tin từ Ukraine cho hay, chất nổ được sử dụng trong vụ phá hoại đường ống Nord Stream không được sản xuất tại Ukraine. Tuy nhiên, nguồn tin này từ chối tiết lộ nguồn gốc của chất nổ.
Der Spiegel cũng tuyên bố đã xác định được gần như tất cả những cá nhân tham gia vào vụ phá hoại, song không công bố tên của họ, vì lo ngại rằng họ có thể trở thành mục tiêu của các cơ quan an ninh Nga hoặc Ukraine.
Nord Stream 2 chưa bao giờ đi vào hoạt động, vì Đức dừng quá trình cấp chứng nhận ngay trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Trong diễn biến khác liên quan, chính trị gia người Đức Reiner Rothfuss (đảng Alternative for Germany) mới đây cũng hối thúc chính quyền Thủ tướng Olaf Schol khôi phục đường ống Nord Stream và mối quan hệ đối tác năng lượng với Nga
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Alfa Radio, nghị sĩ Đức Aleksandr Shpakovsky nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên về lời kêu gọi của chính trị gia Reiner Rothfuss.bởi nền kinh tế Đức đang trải qua thời kỳ khó khăn.
Ông Shpakovsky chỉ ra, điều này có thể được giải thích là do tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Đức. Bên cạnh đó, Mỹ không ngừng thúc đẩy châu Âu, bao gồm cả Đức, chuyển hướng sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Washington cung cấp.
Việc thiếu năng lượng đã tác động đến ngành công nghiệp Đức, như các “ông lớn” ô tô Volkswagen và Audi gần đây đã sa thải hàng loạt nhân sự. Ngoài mất nguồn năng lượng tương đối rẻ, nền kinh tế lớn nhất EU còn chịu cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và mất đi thị trường lớn ở Nga.
>> Ukraine bắt điệp viên Nga ở Kiev, Moscow tăng phúc lợi cho lính ra tiền tuyến
Ukraine bắt điệp viên Nga ở Kiev, Moscow tăng phúc lợi cho lính ra tiền tuyến
Nga tiến quân nhanh chưa từng có, Ukraine lo sợ đợt phản công mới ở Zaporizhzhia