Công nghệ khứu giác sẽ giúp những người đeo kính thực tế ảo (VR) có thể ngửi các loại mùi hương trong thế giới 3D.
Bên trong Bảo tàng Thủ công và Thiết kế ở San Francisco (Mỹ) đang diễn ra một triển lãm đặc biệt khám phá tiềm năng của công nghệ đối với khứu giác.
Bước vào bảo tàng, khách tham quan sẽ đi qua một hành lang trưng bày những thiết bị kích thích khứu giác, như máy khuếch tán tinh dầu điều khiển bằng giọng nói, phát hương thơm theo giờ định kỳ để nhắc người bị sa sút trí tuệ ăn đúng bữa, hay dây chuyền tích hợp USB có chức năng tỏa mùi hương khi nhịp tim của người đeo đạt 110 nhịp/phút... và dĩ nhiên không thể thiếu chiếc kính thực tế ảo (VR) giúp người đeo ngửi được mùi hương.
Bí mật nằm ở chiếc hộp chứa chất hóa học được gắn bên trong kính, kết nối Bluetooth, giúp người đeo kính ngửi được mùi. Tên nó là ION, sản phẩm của công ty OVR Technology.
Aaron Wisniewski - CEO của OVR cho biết: "Mùi hương phải là một phần trong công cuộc phát triển metaverse, nếu không, chúng ta đang hạn chế tiềm năng của metaverse. Mùi hương ảnh hưởng sâu sắc đến việc xác nhận chúng ta là ai, chúng ta cảm thấy thế nào, chúng ta làm gì, mua gì và yêu ai".
Chiếc hộp "vũ khí bí mật" của OVR có sẵn chín hợp chất hóa học, kết hợp với nhau để tạo ra hàng trăm mùi hương. Những mùi phổ biến như "dâu tây" hay "sô-cô-la" được tái tạo khá đơn giản, nhưng để tạo ra mùi hương như "bãi biển" đòi hỏi quá trình phức tạp hơn, cần có sự kết hợp giữa mùi cát, gió biển và mùi... kem chống nắng.
Đi kèm theo chiếc hộp ION là một phần mềm đặc biệt, giúp thiết bị có thể tương thích với những game được tạo trên Unity và Unreal Engine. Wisniewski hy vọng có thể phát hành phiên bản dành cho người tiêu dùng vào năm 2023.
Trước đây, nhiều người đã tìm cách nghiên cứu công nghệ khứu giác. Từ thập niên 1960, một hệ thống có tên Smell-O-Vision đã ra đời để đưa mùi hương vào rạp phim.
Các nhà phát minh lần đầu ứng dụng hệ thống trong bộ phim Scent of Mystery. 30 mùi hương khác nhau đã được tiêm vào ghế ngồi của khán giả trong rạp chiếu, và những mùi hương này sẽ được giải phóng theo nhạc nền của bộ phim.
Dù vậy, hệ thống Smell-O-Vision nhanh chóng chết yểu. Nhiều năm qua, khứu giác bị xem là giác quan thứ yếu so với thị giác hay thính giác. Năm 2018, một khảo sát trên các thanh thiếu niên người Anh cho thấy 64% thà mất khứu giác còn hơn mất smartphone.
OVR là một trong nhiều công ty đang tham gia vào lĩnh vực mùi hương số hóa. Ở Anh, công ty OW Smell Digital đã gọi vốn 1,2 triệu USD để phát triển dịch vụ "Photoshop cho mùi" dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.
Tại Tây Ban Nha, công ty Olorama Technology phát triển một thư viện gồm 400 mùi hương, được đưa vào các hộp đặc biệt. Những hộp này sẽ tỏa mùi khi được kích hoạt bằng giọng nói của người dùng.
Nhưng khởi nghiệp trong ngành này không hề dễ dàng. Công ty Feelreal từng gọi vốn cho sản phẩm mặt nạ VR đa giác quan vào năm 2015, nhưng dự án "chìm xuồng" vào năm 2020.
Hay công ty Nhật Bản Vaqso với tham vọng đưa thiết bị tạo mùi vào kính VR từ năm 2017 cũng đã không cập nhật website trong suốt nhiều năm qua.
"Đây là một công nghệ thú vị nhưng không phải một mô hình kinh doanh hấp dẫn", Christina Ku - nhà đầu tư của Docomo Ventures cho biết.
Nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ đa giác quan, ngày càng có nhiều thiết bị tích hợp tính năng khứu giác. Năm 2021, Amazon nhận bằng sáng chế cho ứng dụng nhận diện mùi hương, được cài đặt trong chuông cửa Ring.
Năm 2019, Brain Team của Google tuyên bố đã thiết kế thành công một mạng thần kinh có thể đánh giá chính xác các mùi hương ở cấp độ phân tử.
Ngày nay, công nghệ kích thích khứu giác đã là một phần quan trọng được các kỹ sư, nhà thiết kế, kiến trúc sư metaverse hướng đến.
Công nghệ khứu giác còn có ích cho các cơ sở trị liệu. Ascendant New York - một phòng khám điều trị rối loạn chất gây nghiện đã sử dụng nền tảng Inhale Wellness của OVR Technology để đưa bệnh nhân vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp thông qua kính VR và ngửi mùi hương trong thế giới ấy.
Tại phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ Sáng tạo thuộc Đại học Nam California (Mỹ), các cựu chiến binh mắc chứng rối loạn hậu chấn thương sẽ được trải nghiệm mùi hương do OVR tạo ra thông qua liệu pháp điều trị phơi nhiễm VR.
Trong đại dịch Covid-19, khi virus corona làm suy yếu khứu giác, nhiều người bắt đầu nhận thức khác đi về mùi hương. Mùi hương có thể gợi lên ký ức hoặc đánh thức phản ứng sinh học của con người.
Chẳng hạn, hương thơm tỏa ra từ hoa mận Nhật Bản có thể kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, cải thiện tâm trạng của con người. Vì thế, sẽ thật thiếu sót nếu metaverse không đem đến cho người dùng trải nghiệm khứu giác.
Metaverse sẽ được những kỹ sư phần mềm dựng nên, những người tuy có chuyên môn trong công việc của mình nhưng thiếu kiến thức về mùi hương.
Nhận thức được điều này, họ đã mời các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như thời trang, kiến trúc... tham gia vào quá trình xây dựng vũ trụ ảo. Có lẽ sớm thôi, việc tuyển dụng "chuyên gia mùi hương" trở thành một phần trong cơn sốt chiêu mộ nhân lực metaverse.