Luật Viễn thông sửa đổi bổ sung quy định không sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để ký hợp đồng thuê bao cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật.
Nhà mạng phải có trách nhiệm về thông tin thuê bao chính xác
Sáng 24/11, với 468/472 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật gồm 10 chương, 73 điều.
Trả lời VietNamNet, đại diện Cục Viễn thông cho hay, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các quy định trong Luật sẽ đảm bảo sự phát triển đồng bộ, bền vững của ngành viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển; bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông và bảo đảm an toàn, an ninh mạng viễn thông trong thời gian tới.
Đại diện Cục viễn thông cho hay, một số điểm mới của Luật Viễn thông sửa đổi so với Luật Viễn thông năm 2009 bao gồm các quy định nhằm khác phục những bất cập trong thực thi Luật Viễn thông 2009 như: đơn giản hóa hình thức, điều kiện cấp giấy phép viễn thông; hoàn thiện quy định về Sim tài khoản viễn thông; tạo điều kiện để xây dựng, lắp đặt trên các khu vực đất công, trụ sở công, công trình công; ngăn chặn Sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Bên cạnh đó, Luật này còn thúc đẩy tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông và dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện quy định về xây dựng, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật viễn thông trong nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng, cụm công nghiệp.
Luật Viễn thông sửa đổi cũng hoàn thiện quy định về đấu giá mã, số viễn thông, tên miền Internet và khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
“Luật Viễn thông sửa đổi đã bổ sung quy định quản lý đối với các dịch vụ mới, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây để phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin; bổ sung quy định về quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông.
Nhìn chung, Luật Viễn thông sửa đổi kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đồng thời sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng và giải quyết các vấn đề nóng trong lĩnh vực viễn thông”, đại diện Cục Viễn thông nói.
Sẽ giải quyết vấn nạn Sim rác và lộ lọt dữ liệu cá nhân
Hai nội dung được rất nhiều người dân quan tâm khi Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi là vấn đề Sim rác và lộ lọt thông tin cá nhân có được xử lý hay không.
Đại điện Cục Viễn thông khẳng định trong Luật Viễn thông sửa đổi đã quy định chặt chẽ để xử lý vấn nạn này.
Về vấn đề Sim rác, đại diện Cục Viễn thông cho hay, Luật Viễn thông sửa đổi đã bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý Sim có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác; ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông.
Đồng thời, Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật về viễn thông; và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng số thuê bao viễn thông do mình đã giao kết hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.
Đối với vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân, Luật Viễn thông sửa đổi đã bổ sung quy định rõ doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin hoặc để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn, xử lý hành vi trốn tránh thanh toán cước hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan.
“Với những quy định mới này, Luật Viễn thông sửa đổi được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng Sim rác, lộ lọt thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, để các quy định của Luật Viễn thông sửa đổi phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng”, đại diện Cục Viễn thông nói.