Cấm xe máy vào nội đô Hà Nội năm 2030 – Liệu có khả thi?

17-06-2023 12:37|Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN

Theo chuyên gia, không chỉ khó khả thi, đề án dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 của UBND TP. Hà Nội được cho còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu lượng ô tô cá nhân tăng đột biến…

Theo đó, UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP. Hà Nội” từ năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, Thành phố đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP Thành phố vào năm 2025 và năm 2030 tỷ lệ đóng góp là 90%.

Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện được Thành phố đặt ra trong giai đoạn 2025-2030.

cam-xe-may-vao-noi-do-ha-noi-nam-2023-23-2-enternews-1686903549(1).jpg
Đề án dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 của UBND TP. Hà Nội được cho khó khả thi - Ảnh minh họa

Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án “phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Việc cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Nội dung đề án này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Trên thực tế, đây không phải lần đầu người dân Hà Nội nghe đến đề án “cấm xe máy”, bởi trước đó, năm 2017, Thành phố đã nêu đề xuất cấm xe máy ở 5 quận nội đô, bắt đầu thực hiện từ năm 2025, rút kinh nghiệm triển khai tiếp giai đoạn 2 từ năm 2026-2030.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, đây là đề án khó khả thi, bởi nó chỉ có thể thực hiện dựa trên điều kiện “phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng”, chưa kể, hiện nay có từ 70-90% người dân đi xe máy, trong khi đó giao thông công cộng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Nếu hạn chế, cấm xe máy, người dân sẽ di chuyển bằng gì, lấy gì đi lại để mưu sinh.

cam-xe-may-vao-noi-do-ha-noi-nam-2023-23-1-enternews-1686903549.jpg
Việc khó khả thi được cho xuất phát từ việc hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế và nguy cơ tăng đột biến lượng phương tiện ô tô cá nhân khi cấm xe máy - Ảnh minh họa

Đánh giá về đề án, ông Bùi Danh Liên – Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, mục đích cấm xe máy là tốt nhưng người dân đi lại bằng phương tiện gì, cơ quan quản lý phải trả lời được. Chỉ còn 7 năm nữa là đến 2030, khi đó giao thông công cộng sẽ phát triển như thế nào, bức tranh này cần được vẽ ra rõ ràng. Nhưng với đà phát triển như hiện nay, việc cấm xe máy vào năm 2030 là ít tính khả thi.

Chưa kể, để đảm bảo đề án có tính khả thi, UBND TP. Hà Nội đã đặt mục tiêu sau năm 2030 phương tiện công cộng sẽ đảm nhận khoảng 45 - 50% nhu cầu đi lại của người dân, năng lực vận tải có thể đáp ứng trên 80% số chuyến đi trong khu vực hạn chế xe máy; 80% người dân khu trung tâm tiếp cận được xe buýt trong phạm vi 500 m.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, những mục tiêu đã được đặt ra liệu có thể hoàn thành như kỳ vọng, bởi nhìn vào thực tế, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thi công ì ạch mất 13 năm, qua 5 đời Bộ trưởng, với 12 lần trễ hẹn và đạt kỷ lục về “đội vốn”. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2021, số hành khách đi tàu có tăng lên nhưng mức độ đóng góp cho giao thông công cộng chưa lớn vì những bất cập về hạ tầng kết nối.

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội khởi công năm 2009, hiện dự kiến điều chỉnh kéo dài thêm 5 năm, đến 2027. Tổng đầu tư dự án hơn 34.800 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng, nhưng liệu đây có là mốc thời gian cuối cùng?...

Chưa kể, tuyến xe buýt nhanh (BRT) Yên Nghĩa - Kim Mã, dù mang nhiều kỳ vọng nhưng lại không phát huy được tác dụng là tuyến buýt nhanh đúng nghĩa, mà phần nào đó còn làm tăng thêm tình trạng kẹt xe trên tuyến đường này vì những bất hợp lý trong việc phân làn, hệ thống nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ ra vào bến,…

Bên cạnh thực tế đã nêu, một vấn đề khác cũng cần được quan tâm, đó là việc khi cấm xe máy, lượng phương tiện ô tô cá nhân tăng đột biến thì sẽ như thế nào?

Thông tin với báo chí, chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định, việc cấm xe máy hoạt động ở nội đô vào năm 2030 là thiếu khả thi. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá còn hẹp, việc cấm xe máy hoạt động sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại.

Theo vị chuyên gia này, việc hạn chế xe máy, tạm dừng vận hành xe máy là việc đối xử không công bằng, thiếu tính nhân văn. Bởi, sử dụng xe máy phần lớn vẫn là người lao động, thậm chí họ còn khó khăn, đó là chưa kể xe máy phù hợp với các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” đặc trưng của giao thông Hà Nội.

Hơn nữa, khi cấm xe máy người dân sẽ lại chuyển sang đi ô tô, trong khi xe máy chiếm mặt đường chỉ bằng một phần ô tô. Khi toàn bộ người dân chuyển sang đi ô tô sẽ gây ùn tắc hơn gấp 5-10 lần so với hiện nay. Về vấn đề này thì bài học cấm xe máy từ Bắc Kinh (Trung Quốc) là một ví dụ ta cần nghiên cứu. Bên cạnh đó, một bài học khác từ Yangon (Myanmar) mà Hà Nội cần cân nhắc, khi chính quyền thành phố Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay thành phố này đang rơi vào cơn “ác mộng” ô tô khi tắc nghẽn do lượng ô tô tăng nhanh đột biến. Và tới nay, Yangon lại đang tính tới việc xem xét cho phép xe máy trở lại hoạt động.

“Nếu cấm xe máy mà không nói đến việc hạn chế xe ô tô đi trong nội thành thì sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Từ đó dẫn đến những phản ứng của người dân và không tạo được sự đồng thuận”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Tỉnh là ‘bến đỗ’ của Tập đoàn Trump tại Việt Nam sẽ xây dựng tuyến đường 10.000 tỷ dọc sông Hồng

Hà Nội có 555 người ra đường không thể trở về trong 10 tháng qua

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cam-xe-may-vao-noi-do-ha-noi-nam-2030-lieu-co-kha-thi-245913.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cấm xe máy vào nội đô Hà Nội năm 2030 – Liệu có khả thi?
    POWERED BY ONECMS & INTECH