Căn biệt thự rộng 200m2 của đại gia tơ lụa giữa lòng phố cổ Hà Nội: Gạch lát mua từ Pháp, trăm tỷ vẫn không bán
Căn biệt thự rộng 200m2 mang dấu vết thời gian này chính là “báu vật” vô giá của gia chủ.
Phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tuy chỉ dài chưa đầy 300m nhưng là con phố nhộn nhịp và sầm uất và sôi động nhất Thủ đô. Ẩn sau sự náo nhiệt ấy là những ngôi nhà cổ kính, mang trong mình ký ức tuổi thơ của không ít người dân Hà Nội.
Một trong những ngôi nhà đó là biệt thự số 72 Hàng Đào, hiện thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thái An, 77 tuổi. Ông An là con trai trưởng của cụ Nguyễn Văn Lợi - chủ thương hiệu lụa Đức Lợi lừng danh Hà Nội một thời.
Căn biệt thự cổ kính giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Dân Việt |
Theo lời kể của ông An, ngôi nhà được bố mẹ ông mua lại vào những năm 1940 để mở cửa hàng kinh doanh tơ lụa và quần áo. Đến năm 1946, ngôi nhà được hoàn thiện, và từ đó, gia đình cụ Nguyễn Văn Lợi cùng 12 người con chuyển về đây sinh sống và buôn bán.
Ngôi nhà có kiến trúc nhà ống, gồm 3 tầng, chia làm 4 khu vực rõ rệt: mặt tiền, giếng trời, khu nhà ở và sân vườn. Vào những năm 1940-1950, tầng 1 được dùng làm cửa hàng bán tơ lụa, phía sau là nhà kho và nơi ở của nhân viên.
Bên trong căn nhà được sắp xếp theo đúng phong cách truyền thống. Ảnh: Dân Việt |
Tầng 2 gồm phòng khách ở phía ngoài và một gác xép dùng làm kho. Phía trong là khu sinh hoạt chính của gia đình ông An.
Tầng 3 có hai phòng ngủ, nhưng ít được sử dụng và thường để trống.
Không gian bên trong căn biệt thự được giữ nguyên sự cổ kính. Ảnh: Dân Việt |
Giếng trời nằm ở trung tâm nhà, giúp đón ánh sáng tự nhiên và tạo không gian thoáng đãng.
Ông An cho biết, các ngôi nhà phố cổ thường có kiểu nhà ống dài và sâu, ở giữa luôn có một khoảng sân thông tầng từ mái xuống tầng trệt, giúp lấy sáng và tạo sự thông thoáng.
Căn nhà có giếng trời lớn, mang ánh sáng vào trong căn biệt thự rộng. Ảnh: Báo Tổ Quốc |
Phía sau cùng của ngôi nhà là khu sân vườn, thường được dùng làm kho hoặc để trồng cây cảnh nhỏ, chứa các chum vại nước.
>> Một căn biệt thự tại khu đô thị ven đại lộ đẹp nhất Việt Nam được rao bán hơn 600 triệu đồng/m2
Phía sau căn nhà được tận dụng trồng các chậu cây. Ảnh: Vietnamnet |
Để xây dựng ngôi nhà này, cụ Nguyễn Văn Lợi đã đầu tư rất nhiều vào vật liệu. Gạch lát sân được nhập khẩu từ Pháp và nội thất như đèn, quạt trần, bàn ghế tiếp khách đều được mang về từ các nước khác. Hệ thống nước sạch cũng được kết nối với ống dẫn nước do người Pháp xây dựng, thay vì dùng nước giếng khoan như nhiều nhà khác.
Sau 70 năm, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ kính, mặc dù các bức tường đã bắt đầu bong tróc, phủ đầy rêu phong, in dấu thời gian.
Với ông An, ngôi nhà không chỉ là nơi ở hiện tại của gia đình và nơi con cháu quây quần trong các dịp lễ Tết, mà còn là "báu vật" vô giá, nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ và chứng kiến bao thăng trầm của đại gia đình. Dù đã có nhiều người ngỏ ý mua với giá cả trăm tỷ đồng, ông An vẫn kiên quyết không bán, bởi với ông, đây là nơi gắn liền với ký ức và giá trị tinh thần vô cùng lớn.