'Cận cảnh' cầu vượt bằng thép lớn nhất Việt Nam của 'ông lớn' ngành địa ốc
Cây cầu là hạng mục chính trong dự án nút giao trung tâm quận Long Biên (Hà Nội). Công trình được xây dựng với hơn 4.000 tấn kết cấu thép, tổng chiều dài gần 810m.
Cầu vượt bằng thép nối đường Nguyễn Văn Linh đi Đông Trù qua nút giao Quốc lộ 5 - Nguyễn Văn Cừ được xác định là cây cầu có kết cấu thép liên hợp lớn nhất Việt Nam.
Tổng chiều dài cầu vượt gần 810m, trong đó cầu chính dài 310m, cầu dẫn dài gần 500m, có dải phân cách cứng ở giữa. Cầu rộng 26m, đủ cho 6 làn xe chạy với vận tốc thiết kế 80km/h, đường nội đô chạy hai bên cầu có chiều rộng từ 32m-68m, với vận tốc thiết kế 50km/h, tốc độ thiết kế các nhánh nút giao 30km/h.
Cây cầu là hạng mục chính trong dự án nút giao trung tâm quận Long Biên (Hà Nội). Công trình được xây dựng với hơn 4.000 tấn kết cấu thép ở đoạn giữa nút giao. Kết cấu nhịp cầu chính gồm 5 nhịp dầm hộp thép bê tông liên hợp sơ đồ nhịp. Khổ cầu chia làm hai đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13m. Giữa hai đơn nguyên để khe hở tại bản mặt cầu là 20mm.
Dự án nút giao trung tâm quận Long Biên chính thức khởi công vào ngày 6/5/2014, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), cầu được thông xe vào ngày 18/1/2016. Chủ đầu tư dự án là CTCP Him Lam; ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn được UBND Thành phố giao trách nhiệm là cơ quan quản lý hợp đồng BT.
Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 2.874 tỷ, đổi lại Him Lam được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 20ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên và 135ha đất bãi sông Hồng. Như vậy, tổng quỹ đất phát triển đô thị của Him Lam ở 2 khu vực này khoảng 475ha.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện chi phí đầu tư thực tế chênh lệch so với chi phí dự toán ban đầu bị giảm tới gần 1.080 tỷ đồng, chỉ còn 1.300 tỷ đồng, thay vì gần 2.480 tỷ đồng.
Nguyên nhân chênh lệch trong dự án này và các dự án BT khác được KTNN xác định bởi 2 lý do. Thứ nhất, do giá trị nhà đầu tư ký kết hợp đồng, nghiệm thu, quyết toán với nhà thầu, chi phí lãi vay đều thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được xác định trong hợp đồng.
Thứ hai, KTNN giảm trừ giá trị xây lắp; chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác; chi phí lãi vay; chi phí dự phòng. Nguyên nhân giảm do việc xác định sai khối lượng, sai đơn giá, định mức; xác định chưa đúng chế độ, chưa hợp lý, chưa phù hợp với quy định của hợp đồng BT về các khoản mục chi phí.
Theo thông tin từ báo Đấu thầu, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành giao quỹ đất đối ứng thanh toán cho nhà đầu tư. Được biết, nhà đầu tư đã đề xuất cho phép thanh toán bằng quỹ đất khoảng 34ha tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm.
CTCP Him Lam được thành lập từ năm 1994, với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và đầu tư tài chính. Him Lam đã thực hiện trên 80 dự án bất động sản có quy mô lớn trên khắp cả nước (65 dự án tại TP. HCM và 15 dự án tại Hà Nội), tọa lạc tại các vị trí đắc địa, gần trung tâm thành phố.
Hiện Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng. Một số dự án bất động sản quy mô lớn do Him Lam triển khai có thể kể đến như: Dự án khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng quận 7, dự án Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Riverside, Him Lam Phú An, khu nhà ở Đồng Diều quận 8, khu đô thị mới 6A Nam Sài Gòn…
>> Cơ quan chức năng có động thái mới với sân golf Đồi Cù Đà Lạt