Cận cảnh loạt nhà phố thương mại nằm "ngủ quên" ở khu vực sôi động nhất Đà Nẵng
Thị trường bất động sản ế ẩm, du lịch chưa phục hồi khiến hàng loạt dãy shophouse ở ven sông Hàn (Đà Nẵng) rơi vào cảnh bỏ hoang, nhếch nhác và có nguy cơ trở thành nơi trú ngụ của tội phạm.
Khoảng 6 block shophouse nằm ở chân cầu Thuận Phước, khu vực giữa đường Lê Văn Duyệt (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bỏ hoang nhiều năm nay, xung quanh cỏ mọc um tùm.
Đây là dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng, do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tháng 9/2017.
Tổng diện tích đất ở tại dự án gần 49.000m2, chia 208 lô. Trong đó đất thương mại 78 lô, đất chia lô liền kề 47 lô, đất biệt thự 83 lô, đất khách sạn và căn hộ 2 lô.
Chủ đầu tư đã xây dựng 111 căn. Các shophouse này đã hoàn thiện phần thô, nhiều căn đã có người mua nhưng chỉ vài hộ đến ở, còn lại bỏ hoang.
>>Số phận 3 dự án 'siêu treo' nhếch nhác giữa trung tâm Đà Nẵng
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản, nhà phố thương mại ế ẩm, thậm chí bỏ hoang phần lớn do thị trường gần đây chững lại. Ngoài ra, các nhà đầu tư mua với mục đích cho thuê, khai thác nhưng không hiệu quả.
Bên trong nhiều căn nhà trên đường Trương Quốc Dụng, chủ đầu tư đã xây dựng xong phần thô, chờ người mua vào tiếp tục hoàn thiện, nhưng lâu năm không xây dựng gì thêm, sàn và tường rêu mốc. Khu vực này không có bảo vệ trông coi hay được rào chắn.
Theo thông tin từ VnExpress, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cho biết các căn shophouse bỏ hoang nhiều năm qua, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc quản lý địa bàn của chính quyền địa phương rất khó khăn.
Nhiều kẻ gian lợi dụng khu vực này không có người trông coi để đến trộm cắp cửa công trình. Thậm chí những căn nhà hoang còn là nơi kẻ trộm tập kết tài sản ăn trộm, một số người đến chích ma túy.
Một căn shophouse trên đường Lê Văn Duyệt giao Khúc Thừa Dụ bị kẻ gian tháo mất tay nắm cửa, phải khóa tạm bằng dây sắt. Nhiều căn chủ nhà phải dùng miếng tôn cỡ lớn để bít cửa kính đã bị đập phá.
Dãy shophouse trên đường Dương Lâm có mặt sau thiết kế dạng biệt thự, nhìn ra quảng trường, nhưng trong số 13 căn chỉ có một gia đình đang sinh sống. Những căn còn lại cỏ mọc um tùm, một số căn bị kẻ gian phá cửa đột nhập.
Chính quyền địa phương liên hệ với chủ đầu tư để đốc thúc hoàn thiện dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế địa phương hay có biện pháp khắc phục tình trạng nhếch nhác, mất an ninh trật tự, nhưng doanh nghiệp không phối hợp, nhiều lần không đến làm việc.
Tình trạng shophouse không người ở hoặc thuê kinh doanh ế ẩm cũng diễn ra ở nhiều địa bàn khác ở Đà Nẵng như quận Liên Chiểu, Hải Châu, Cẩm Lệ...
Trên đường Minh Mạng, hai dãy shophouse mới xây dựng nhưng chỉ khoảng 5 căn có người ở. Trong đó một siêu thị phải đặt bảng thông báo xả hàng để trả mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm; nhiều căn khác thành nơi chất đồ đạc hoặc để cây dại mọc um tùm.
Một khu shophouse dưới chân cầu Tiên Sơn, quận Hải Châu cũng vắng người ở, kinh doanh, xung quanh thành nơi tập kết rác, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan đô thị.
Doanh nghiệp “cầu cứu” tỉnh An Giang vì không thể thuê được bến bãi xuất khẩu 50.000 tấn gạo
Các dự án bất động sản kêu gọi đầu tư mới: Đề xuất gần 10.000 tỷ xây đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm