Giá bán phân khúc căn hộ tại TP.HCM tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong tháng 7 vừa qua, bất chấp thực tế nhu cầu giao dịch loại hình này đang giảm mạnh.
Tình hình dịch bệnh tái bùng phát vào giữa tháng cũng như việc áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh giáp ranh khiến lượng sản phẩm chào bán và nhu cầu tìm mua bất động sản giảm mạnh. Nhiều chủ đầu tư phải tạm hoãn kế hoạch bán hàng, truyền thông giới thiệu sản phẩm ra thị trường còn khách hàng và giới đầu tư án binh bất động do không thể thực tế thị trường để giao dịch.
Cụ thể, theo báo cáo thị trường tháng 7/2021 của Batdongsan.com.vn, lượng tin đăng rao bán căn hộ trên địa bàn TP.HCM trong tháng vừa qua ghi nhận mức giảm lên đến 44% so với thời điểm tháng 6/2021. Trong đó lượng tin rao bán căn hộ cao cấp và trung cấp đều đồng loạt giảm hơn 40% còn loại hình căn hộ bình dân giảm đến 48%. Đây được xem là mức giảm kỷ lục trong các quý vừa qua.
Nguồn hàng chào bán giảm mạnh kéo theo nhu cầu mua cũng đi xuống khá nhanh. So với thời điểm tháng 6/2021, nhu cầu tìm kiếm căn hộ tại TP.HCM trong tháng 7 giảm hơn 25%. Trong đó nhu cầu tìm mua chung cư cao cấp giảm 14%, loại hình trung cấp giảm 22%, căn hộ bình dân giảm đến 31%.
Ở một diễn biến khác, sự ảm đạm trong giao dịch không gây tác động mạnh đến giá bán của phân khúc này khi giá sơ cấp rao bán chung cư TP.HCM vẫn ghi nhận xu hướng tăng cao trong cao điểm dịch bệnh. Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn chỉ ra, so với tháng 6/2021, giá bán chung cư TP.HCM tăng thêm 2% và so với cùng kỳ 2020, giá bán phân khúc này tăng 10%.
Nhận định về xu hướng tăng giá bất chấp nhu cầu mua nhà giảm mạnh vì dịch bệnh, các chuyên gia của Batdongsan.com.vn cho rằng, nguồn cung sơ cấp tại TP.HCM ngày càng khan hiếm do sự siết chặt pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua và quỹ đất sạch phù hợp ngày càng hạn chế là một trong số nguyên nhân khiến giá nhà đất tại thị trường này luôn duy trì tăng. Việc giá bán các dự án sơ cấp cao hơn qua các năm phần lớn cũng đến từ việc chi phí phát triển dự án có xu hướng tăng dần theo thời gian. Quỹ đất phát triển nhà ở hạn chế, chi phí đất tăng cao, lãi vay, thời gian cấp phép dự án kéo dài, dẫn đến chi phí đầu vào và phát triển dự án của doanh nghiệp càng tăng. Việc thiếu vắng nguồn cung mới cạnh tranh cũng thúc đẩy sự tăng giá cục bộ .
Tuy nhiên theo các chuyên gia, xu hướng tăng giá này chỉ phản ánh yếu tố nguồn cung, chứ không phản ánh tình hình cung - cầu thị trường. Trong tháng vừa qua, tỷ lệ quan tâm nhà đất thấp bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch và giãn cách xã hội gây khó khăn trong việc mua nhà. Vậy nên, từ nay đến cuối năm, năng lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nói chung và TP.HCM nói riêng là yếu tố quyết định việc thị trường bất động sản có thể tái khởi động và tăng trưởng trở lại hay không.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đang xem xét triển khai gói hỗ trợ dành cho chủ đầu tư, nới lỏng các điều kiện cho vay, hỗ trợ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng… giúp các chủ đầu tư tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn sẽ mang đến cơ hội để các dự án đã hoàn thành hoặc có cơ sở pháp lý dự án tương đối hoàn chỉnh triển khai các dự án theo đúng kế hoạch, tăng nguồn cung cho thị trường. Chi phí vốn rẻ giúp giảm giá vốn, gián tiếp tạo cơ hội giảm giá thành và tăng khả năng tham gia vào thị trường của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.