Cần thêm 1.300 tỷ tái khởi động bệnh viện ung bướu lớn thứ 3 ĐBSCL sau gần một thập kỷ 'ngủ quên'
Thiếu hụt nguồn vốn sau khi hiệp định vay ODA kết thúc đã khiến dự án rơi vào cảnh dang dở, lặng lẽ nằm giữa thành phố.
Mới đây, tại một cuộc họp giao ban báo chí quý I/2025, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Ông Trương Cảnh Tuyên tỏ ra sốt ruột khi nhắc đến Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ tạm ngưng xây dựng nhiều năm qua.
Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ khởi công vào tháng 10 năm 2017, tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1.727 tỷ đồng, trong đó có phần vốn vay ODA từ Chính phủ Hungary. Tuy nhiên, sau khi hiệp định vay vốn hết hiệu lực vào năm 2022, toàn bộ hoạt động thi công phải tạm dừng.
Khi đó, khối lượng xây dựng đã đạt khoảng 80%, nhưng công trình vẫn chưa thể đi vào hoàn thiện do thiếu hụt nguồn lực tài chính. Nếu chuyển sang nguồn vốn khác thì cần có ý kiến của Bộ Tài chính.

Dự án từng được kỳ vọng trở thành trung tâm điều trị ung thư hiện đại bậc nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, sau gần 8 năm kể từ ngày khởi công, công trình vẫn chưa thể hoàn thành và đang nằm im ắng giữa lòng thành phố. Nhiều hạng mục dang dở, máy móc nằm phủ bụi, và niềm hy vọng về một cơ sở điều trị ung thư chuyên sâu cho khu vực dần trở nên xa vời.
Trước thực trạng này, UBND TP. Cần Thơ đã đưa ra đề xuất cần bổ sung khoảng 1.300 tỷ đồng để tái khởi động dự án, với hy vọng đưa bệnh viện về đúng quỹ đạo, kịp thời phục vụ cho hàng triệu người dân miền Tây Nam Bộ.
Chủ tịch TP. Cần Thơ đưa ra hai phương án, thứ nhất là đề xuất Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng hỗ trợ cho thành phố khoảng 1.300 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện dự án.
Phương án thứ hai, nếu không có ngân sách Trung ương thì TP. Cần Thơ sử dụng ngân sách giai đoạn 2026-2030, bố trí 1.300 tỷ đồng để hoàn thiện dự án Bệnh viện Ung bướu sớm nhất.
Không chỉ là một dự án hạ tầng y tế, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mang ý nghĩa đặc biệt với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi có hơn 19 triệu dân nhưng hạ tầng điều trị chuyên sâu còn hạn chế. Trong bối cảnh ung thư ngày càng trở thành gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế, việc sớm đưa bệnh viện vào hoạt động sẽ góp phần giảm áp lực cho các cơ sở y tế tại TP. HCM, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ điều trị ngay tại địa phương.

Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ khẳng định rằng thành phố đang tích cực làm việc với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác huy động nguồn vốn. Nếu mọi việc suôn sẻ, công trình có thể tái khởi động trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2026.
Cả khu vực ĐBSCL chỉ có 2 bệnh viện ung bướu. Do đó, dự án bệnh viện ung bướu này hy vọng sẽ không còn là công trình "ngủ quên" giữa thành phố năng động miền Tây, mà sớm trở thành điểm sáng y tế cho cả vùng.