Cần thiết đưa kiểm soát khí thải xe máy vào Luật Giao thông đường bộ

11-07-2023 23:34|Phan Trang

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến trong đó có nêu quy định: "Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định".

Cần thiết đưa kiểm soát khí thải xe máy vào Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Tại chương phương tiện giao thông đường bộ, dự thảo Luật Giao thông đường bộ quy định: "Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định".

Bộ GTVT quy định trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định về khí thải xe mô tô, xe gắn máy, trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy (trừ xe mô tô, xe gắn máy thuần điện) được thực hiện tại các trạm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

Khí thải từ xe máy gây ô nhiễm lớn nhất

Lý giải việc đề xuất quy định này, theo Bộ GTVT, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu mô tô. Riêng tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy, trong đó, có gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000.

Trong khi đó, Luật Đường bộ năm 2008 vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Bộ GTVT cho rằng, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra.

Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí chỉ mới được áp dụng đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, chưa áp dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Theo Bộ GTVT, nếu Luật Đường bộ sửa đổi vẫn không quy định việc kiểm soát khí thải với mô tô, xe máy sẽ làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn. Mặt khác, không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp sử dụng các phương tiện giao thông công nghệ mới, giao thông đa tính năng, giảm thải ô nhiễm môi trường…

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất quy định áp dụng lộ trình kiểm soát khí thải trong Luật Đường bộ. 

Cần thiết đưa kiểm soát khí thải xe máy vào Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 2.

Xe máy cũ là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm đô thị - Ảnh minh họa

Kiểm soát khí thải tốt sẽ duy trì khả năng sử dụng phương tiện

Ngoài các tác động tích cực với xã hội, người sử dụng phương tiện sẽ phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, chi phí này sẽ được bù đắp bằng việc giảm chi phí sửa chữa phương tiện cho những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện. Như giảm thời gian dừng khai thác phương tiện do hư hỏng, kéo dài tuổi thọ và duy trì khả năng khai thác phương tiện, giảm chi phí nhiên liệu.

Nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%, tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là hơn 170.000 đồng/năm.

Trong khi, chi phí bảo dưỡng và thay thế phụ tùng cho phần khí thải khoảng 110.000 đồng/xe. Đây cũng là chi phí bảo dưỡng đương nhiên để đảm bảo hiệu quả khai thác và độ bền của xe trong quá trình sử dụng.

Cũng theo tính toán, để bù đắp chi phí đầu tư, vận hành trạm kiểm định, chi phí kiểm định cho mỗi xe khoảng 35.000 đồng/lần/năm. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải thì người dân không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp Nhà nước có tiến hành thu phí kiểm định khí thải

Các thành phố lớn đề xuất kiểm soát khí thải xe máy

Được biết, từ lâu, TP. Hà Nội và TPHCM đều đã có ý kiến, đồng thời đề xuất về việc triển khai kiểm soát khí thải đối với xe máy thông qua kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, do vướng luật nên đến nay vẫn không thể triển khai được.

Cục Đăng kiểm từ lâu cũng đã xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải với xe máy theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng đến hiện tại cũng chỉ dừng lại ở mức xây dựng Đề án và được triển khai trong thực tế.

Gần đây nhất, tháng 8/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã báo cáo kết quả chương trình đo kiểm khí thải xe máy cũ và đề xuất lộ trình kiểm định khí thải và xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện việc đo, kiểm soát lượng khí thải từ xe máy. Cụ thể:

Năm 2023, Hà Nội sẽ xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy theo các giải pháp đề xuất; nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí và hạn chế xe máy; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn khí thải xe máy đang lưu hành và các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến quản lý khí thải xe máy, bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ kiểm định khí thải xe máy.

Đồng thời, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trên địa bàn toàn thành phố về kiểm soát khí thải xe máy.

Giai đoạn 2024 - 2025, Hà Nội tổ chức thí điểm kiểm định hằng năm với xe máy từ 5 năm sử dụng trở lên, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Giai đoạn này cũng bắt đầu áp dụng phân vùng khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.

Sau thí điểm, từ năm 2026, Hà Nội sẽ "thực thi toàn phần" việc kiểm soát khí thải xe máy. Theo đó, với xe máy từ 5 năm sử dụng trở lên hoặc 3 năm sử dụng trở lên sẽ phải kiểm định khí thải định kỳ.

Đồng thời, hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng. Thành phố sẽ nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực theo phân vùng bảo vệ.

Để hiện thực hóa lộ trình trên, Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy bao gồm 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen (có thể sử dụng chung với camera giao thông hiện có).

Tùy theo từng giai đoạn, Hà Nội sẽ điều chỉnh kịch bản cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong giai đoạn đầu, khi người dân chưa làm quen với kiểm định khí thải xe máy định kỳ, có thể chỉ kiểm soát theo đối tượng; sau một thời gian sẽ kết hợp kiểm soát theo cả đối tượng và khu vực; khi các điều kiện về hạ tầng, giao thông công cộng đảm bảo sẽ nghiên cứu kết hợp cả thu phí khí thải xe máy.

Với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, đã cũ nát... Thành phố có chính sách hỗ trợ chủ xe phải thu hồi từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp để chuyển đổi phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyển đổi sinh kế.

Đại biểu lo lắng về thời gian di chuyển của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT nói gì?

Phương án đường sắt tốc độ cao qua Nam Định sẽ thu lợi khoảng 400 triệu USD

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/can-thiet-dua-kiem-soat-khi-thai-xe-may-vao-luat-giao-thong-duong-bo-102230711175255915.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần thiết đưa kiểm soát khí thải xe máy vào Luật Giao thông đường bộ
    POWERED BY ONECMS & INTECH