Chuyên gia PSI đánh giá tích cực đối với các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển như VSC, PVT, HAH giữa bối cảnh Biển Đỏ đang "dậy sóng".
Theo Bloomberg đưa tin, lực lượng Houthi, để thể hiện sự ủng hộ cho Hamas trong cuộc xung đột quân sự với Israel, đang tấn công các tàu buôn khi chúng đi qua Yemen trên đường đến hoặc từ kênh đào Suez của Ai Cập.
Cách đó khoảng 11.580 km về phía tây, tuyến đường thủy quan trọng khác của thế giới ở Panama cũng bị gián đoạn nghiêm trọng do hạn hán.
Với việc các tuyến đường chiếm gần 20% thương mại gặp trục trặc, đội tàu buôn toàn cầu buộc phải đi đường vòng, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển.
Theo dữ liệu vào cuối ngày 20/12 từ nền tảng vận chuyển kỹ thuật số Flexport, khoảng 180 tàu container đã đổi hướng đi qua châu Phi hoặc bị dừng lại và chờ hướng dẫn để tránh các cuộc tấn công ở iển Đỏ.
Công ty phân tích hàng hải MarineTraffic cũng cho biết lưu lượng giao thông qua eo biển Bab al-Mandab nối Biển Đỏ với Vịnh Aden đã giảm 14% trong khoảng thời gian từ ngày 15-19/12, so với các ngày từ 8-12/12.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, cước vận chuyển tăng phi mã |
CNBC ghi nhận được thông tin các nhà quản lý logistics đã được thông báo giá cước cho một container 40 feet đi từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Anh chạm mức 10.000 USD. Giá cước của tuần trước đó cho loại này chỉ 2.400 USD.
Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hưởng lợi ?
“Chúng tôi cho rằng sự kiện này sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn khi đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới có xu hướng tăng cao”, Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định gần đây.
Chuyên gia PSI cho rằng việc vận chuyển hàng hóa bằng các tàu hàng hải sẽ còn gặp nhiều trở ngại. Do vậy, giá dầu và giá cước vận tải biển toàn cầu vẫn được dự báo tăng trong ngắn hạn, tạo ra tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển như VSC (CTCP Container Việt Nam), PVT (Tổng CTCP Vận tải Dầu khí), HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An).
Xét theo khía cạnh vĩ mô, Agriseco Research đánh giá việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ khiến cho hoạt động bán lẻ và tiêu dùng dịp lễ cuối năm tại Mỹ, chịu nhiều ảnh hưởng. Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tới châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực do chi phí logistic tăng đáng kể và hoạt động chuyển hàng bị trì hoãn.
Những cuộc tấn công trả đũa xuất phát từ cuộc xung đột Israel - Hamas nhắm vào các tuyến đường vận tải biển tại khu vực Biển Đỏ nói chung và kênh đào Suez nói riêng, có thể sẽ tiếp tục bộc phát kéo dài trước khi các quốc gia có thể tìm được tiếng nói chung trong khu vực. Việc vận chuyển hàng hóa bằng các tàu container, tàu chở hàng rời, oil tanker qua khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục chịu gián đoạn hoặc phải chọn tuyến đường vận chuyển dài hơn nhưng an toàn hơn.
“Giá dầu cũng như giá cước vận tải biển tăng sẽ đem tới nhiều cơ hội đầu tư trong ngắn hạn đối với các nhóm ngành như dầu khí, vận tải biển. Các cổ phiếu khuyến nghị theo dõi giai đoạn này gồm HAH, PVS, PVD, PVT”, Agriseco Research nhận định.
>> Cuộc khủng hoảng trên biển Đỏ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk đã tuyên bố tạm dừng vận chuyển hàng hóa thông qua kênh đào Suez để lựa chọn con đường đi qua Mũi Hảo Vọng dù mất thêm 10 ngày so với thông thường. Tổng mức chi phí phát sinh cho mỗi tàu ước tính khoảng 400.000 – 1 triệu USD.
Chỉ số BDI đã có lúc đạt tới 3.346 vào đầu tháng 12, tăng gấp đôi so với 1 tháng trước đó, trong khi chỉ số WCI cũng tăng 4,1% trong tuần 7-14/12, đạt 1.521 USD/thùng 40ft. Tuy nhiên, chỉ số này có khả năng vẫn chưa phản ánh toàn bộ mức tăng giá cước trên thực tế.
Tình hình bất ổn cũng làm giá dầu Brent đã tăng khoảng 6,7% trong 2 tuần vừa qua, tiến sát mốc 80 USD/thùng. Khu vực châu Âu được cho là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi kênh đào Suez bị gián đoạn, bởi 1/4 lượng dầu nhập khẩu tại đây đều đi qua kênh đào này.
Các công ty vận tải biển cũng đang được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô khác. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giá cước tàu chở dầu thô và tàu chở LPG đang có xu hướng tăng do nhu cầu đi lại tăng cao, cũng như hoạt động nhập khẩu dầu thô và LPG mạnh mẽ từ Mỹ và Nga.
Ngành công nghiệp lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang được mở rộng nhờ nhập khẩu dầu thô rẻ từ Nga. Do đó, nhu cầu vận chuyển các sản phẩm hóa dầu từ các quốc gia này đến các quốc gia châu Á khác cũng như EU và Mỹ gia tăng.
Trở lại quá khứ, tháng 3/2021, việc siêu tàu Ever Given mắc kẹt, chắn ngang kênh đào Suez trong 6 ngày đã tạo ra một cơn "địa chấn" đối với thương mại toàn cầu. Tai nạn này làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên tuyến Á - Âu, ảnh hưởng đến gần 20% lượng hàng lưu thông của thương mại thế giới.
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của vụ việc cũng góp phần tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam khi năm đó nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải liên tục tăng mạnh hơn so với thị trường và là điểm nhấn thu hút dòng tiền.
Nhiều nhà đầu tư lý giải đà tăng của nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải chủ yếu do kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng phí vận tải biển tăng cao và nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Cụ thể, báo cáo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021, nhóm 6 doanh nghiệp vận tải, cảng biển tăng trưởng trung bình tới 93,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận CTCP Vận tải Biển Việt Nam (VOS) tăng 287,9% lên 222,1 tỷ đồng; lợi nhuận HAH tăng 160,6% lên 183,2 tỷ đồng; lợi nhuận TCL tăng 50,4% lên 61,45 tỷ đồng; lợi nhuận GMD tăng 39,5% lên 350,1 tỷ đồng.