Cảnh báo 14 thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến thời gian gần đây
Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Thuận mới đây đã đưa ra cảnh báo 14 thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất thời gian gần đây.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, các chiêu trò lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi và biến hóa khôn lường. Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Thuận mới đây đã cảnh báo 14 thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất thời gian gần đây.
1. Giả dạng shipper lừa tiền và cài mã độc vào điện thoại
Các đối tượng giả dạng shipper, yêu cầu nạn nhân thanh toán phí hoặc gửi liên kết yêu cầu tải ứng dụng để “quản lý đơn hàng”, “quản lý thành viên”. Tuy nhiên, ứng dụng này chứa mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của nạn nhân để chiếm đoạt tiền.
Ảnh minh họa |
2. Lừa làm nhiệm vụ nhận hoa hồng cao
Đối tượng lừa đảo dụ dỗ nạn nhân tham gia làm “nhiệm vụ” để nhận hoa hồng cao, ban đầu là các khoản tiền nhỏ để lấy lòng tin. Sau khi nạn nhân đã tin tưởng và nạp vào khoản tiền lớn hơn, chúng bắt đầu khóa tài khoản hoặc yêu cầu nộp thêm tiền mới có thể rút. Càng nộp thêm, nạn nhân càng mất trắng.
3. Giả mạo làm bạn gái dụ dỗ chat sex để tống tiền
Sử dụng công nghệ AI deepfake, các đối tượng giả danh làm nữ trên mạng xã hội, chat video call với hình ảnh người thật thời gian thực. Sau khi tạo được lòng tin, chúng khai thác các thông tin cá nhân và mối quan hệ của nạn nhân. Cuối cùng, các đối tượng dọa phát tán các hình ảnh hoặc video nhạy cảm để tống tiền, gây áp lực lớn đến nạn nhân.
4. Tạo lập trang (Fanpage), hội nhóm mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp du lịch, bán vé máy bay để lừa tiền đặt cọc
Các đối tượng lập fanpage giả mạo tên, logo, hình ảnh của các công ty du lịch hoặc hãng bán vé máy bay lớn, đăng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá vé máy bay, tour du lịch để thu hút khách hàng. Khi có người liên hệ, chúng yêu cầu đặt cọc tiền hoặc thanh toán trước qua chuyển khoản để giữ chỗ với mức giá ưu đãi. Sau khi nhận được tiền, chúng ngay lập tức chặn liên lạc hoặc xóa fanpage, khiến nạn nhân không thể liên hệ để đòi lại tiền.
Ảnh minh họa |
5. Gửi link giả mạo để đánh cắp thông tin ngân hàng
Đối tượng gửi tin nhắn SMS giả mạo ngân hàng, yêu cầu nạn nhân nhấp vào đường link giả và cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP hoặc thông tin thẻ. Sau đó, chúng chiếm đoạt tiền từ tài khoản của nạn nhân mà không để lại dấu vết.
Ảnh minh họa |
6. Thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản
Đối tượng cố tình chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của nạn nhân, sau đó liên hệ yêu cầu trả lại số tiền “nhầm” với khoản lãi cắt cổ. Nếu nạn nhân không trả, chúng sử dụng các chiêu trò quấy rối, đe dọa, tạo áp lực để đòi nợ với lãi suất cao.
7. Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo với lợi nhuận cao
Các đối tượng lập website, ứng dụng đầu tư tài chính giả mạo với giao diện hấp dẫn, hứa hẹn lãi suất cao và dễ dàng rút vốn. Ban đầu, chúng trả “tiền lời” đầy đủ, nhưng khi nạn nhân nạp thêm tiền lớn hơn, chúng lập tức chặn tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
8. Mạo danh dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa
Đối tượng lập tài khoản giả danh dịch vụ “lấy lại tiền” và quảng cáo rằng có thể giúp những người từng bị lừa đảo. Sau khi thu “phí dịch vụ”, chúng biến mất và cắt đứt liên lạc với nạn nhân, khiến họ mất thêm một khoản tiền.
9. Bán thuốc đặc trị giả trên mạng xã hội
Đối tượng quảng cáo thuốc “thần dược” với công dụng chữa trị các bệnh nặng như ung thư, với giá cao nhưng không có nguồn gốc rõ ràng. Các chiêu trò như “giảm giá đặc biệt” hoặc ưu đãi cho người già và người bệnh được dùng để đánh vào tâm lý của người mua.
10. Lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực
Đối tượng giả danh các đơn vị làm visa, xuất khẩu lao động, đưa ra các lời hứa về “chi phí thấp”, “không cần hồ sơ phức tạp”. Sau khi nhận tiền từ nạn nhân, chúng biến mất mà không hoàn tất thủ tục nào cho nạn nhân.
11. Giả danh tặng quà từ người nước ngoài quen qua mạng
Các đối tượng thường tự nhận là người nước ngoài, tạo dựng mối quan hệ qua mạng xã hội với nạn nhân, sau đó hứa gửi quà hoặc tiền. Để nhận quà, nạn nhân được yêu cầu thanh toán “phí vận chuyển” hoặc “thuế nhập khẩu” vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi nhận tiền, chúng chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc.
12. Giả mạo cơ quan chức năng gọi điện điều tra
Đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát hoặc Tòa án, gọi điện thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến một vụ án lớn. Sau khi hăm dọa, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền “để phục vụ điều tra” vào tài khoản của chúng, sau đó chiếm đoạt.
Ảnh minh họa |
13. Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để mượn tiền
Một chiêu lừa không mới nhưng rất phổ biến. Các đối tượng chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân rồi nhắn tin mượn tiền từ bạn bè, người thân của họ. Chiêu trò này đánh vào sự cả tin của những người gần gũi với chủ tài khoản.
14. Thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại giá trị cao
Đối tượng gửi tin nhắn cho nạn nhân thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại, hoặc tiền mặt lớn. Để nhận thưởng, nạn nhân phải nộp “phí thủ tục” qua thẻ cào hoặc chuyển khoản, nhưng thực tế chỉ là cái bẫy để chiếm đoạt tiền.
Trước các chiêu thức lừa đảo qua Internet và điện thoại ngày càng tinh vi, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân:
- Không cung cấp thông tin cá nhân: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP qua tin nhắn hoặc cuộc gọi không xác định.
- Xác minh kỹ thông tin: Kiểm tra kỹ trước khi nhấp vào link lạ, không tin tưởng những lời mời gọi nhận quà hoặc lời hứa lợi nhuận cao.
- Xác minh thông tin từ các kênh chính thức: Truy cập vào trang web chính thức hoặc các kênh xác thực của các công ty du lịch, hãng hàng không trước khi chuyển tiền đặt cọc.
- Tránh giao dịch qua các fanpage không rõ ràng: Không nên tin vào các fanpage có dấu hiệu không minh bạch, thiếu thông tin liên hệ rõ ràng, hoặc có địa chỉ và số điện thoại không khớp với thông tin từ trang chính thức của doanh nghiệp.
- Cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng: Chỉ cài đặt ứng dụng từ kho ứng dụng uy tín, tránh tải phần mềm từ các đường link lạ.
- Liên hệ ngay với cơ quan chức năng nếu có nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo người dân cần liên hệ ngay cơ quan Công an gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.
>> Cảnh báo 5 đầu số điện thoại của đối tượng lừa đảo, người dân tuyệt đối không nghe