Xã hội

Cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến mà nhiều người vẫn "sập bẫy"

Kim Thạch 09/06/2024 - 21:03

Thời gian gần đây tái diễn nhiều hình thức lừa đảo cũ nhưng nạn nhân mới "mắc bẫy" như: lừa đảo chuẩn hóa thông tin thuê bao; mạo danh công an yêu cầu đăng ký, cập nhật định danh điện tử; giả danh cán bộ thuế yêu cầu tải ứng dụng lạ...

Thông tin từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC cho biết, Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) ghi nhận nhiều phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ qua đầu số 5656/156.

Mạo danh nhà mạng dọa “khóa thuê bao”

Hình thức lừa đảo này tái diễn trong thời gian gần đây. Theo đó, người dùng nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao. Sau đó đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên của các nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số căn cước công dân… để cập nhật thông tin thuê bao. Trong trường hợp không thực hiện ngay, SIM sẽ bị khóa sau vài tiếng nữa.

Nhiều hình thức lừa đảo tái diễn trong thời gian gần đây.
Nhiều hình thức lừa đảo tái diễn trong thời gian gần đây.

Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa về việc thuê bao sẽ bị khóa và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Lúc này, nếu người dùng thực hiện theo các hướng dẫn sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ chiếm đoạt các tài khoản như mã OTP ngân hàng, lấy thông tin cá nhân của người dùng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo: quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao không có nội dung nào cần thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Do vậy, người dân tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng.

Chuẩn hóa thông tin hoàn toàn miễn phí, người dân chỉ tiếp nhận thông tin và làm theo hướng dẫn khi nhận được tin nhắn chính thức từ brand name của nhà mạng.

Mạo danh công an yêu cầu đăng ký, cập nhật định danh điện tử

Bên cạnh các hình thức lừa đảo trên, các đối tượng gọi điện thoại tự xưng là công an yêu cầu công dân chụp ảnh, cung cấp thông tin cá nhân như căn cước cá nhân… hoặc các giấy tờ khác.

Lấy lí do để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử, không cần đến cơ quan công an, các đối tượng xấu yêu cầu người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VneID (thực tế là ứng dụng độc hại do kẻ xấu tạo ra).

Do không nắm được thông tin, một số người đã cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng liên quan đến số điện thoại, số tài khoản và bị các đối tượng lợi dụng, chiếm quyền sử dụng điện thoại, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Trước những thông tin trên, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo cơ quan công an chỉ vận động công dân đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2; chỉ có 1 ứng dụng duy nhất là ứng dụng VneID để kích hoạt định danh điện tử mức 2; việc định danh điện tử mức 2 phải do công dân trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay nên không thể làm thay.

Vì vậy, khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là công an yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VneID, hay cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, giấy tờ khác… để kích hoạt đó là các đối tượng giả danh Công an để nhằm mục đích thu thập thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Giả danh cán bộ thuế yêu cầu tải ứng dụng lạ.

Đối với hình thức lừa đảo này, người dùng sẽ bị đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ ngành thuế, yêu cầu người nộp thuế cài đặt các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại, thiết bị thông minh, giả mạo cơ quan thuế nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng này là yêu cầu người dùng cài đặt các phần mềm ứng dụng quản lý thuế của Tổng cục để theo dõi tình hình thuế, tờ khai thuế, tiền độ đóng thuế…

Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo các ứng dụng ngành thuế mà Cục Thuế đang triển khai trên thiết bị thông minh chỉ thông qua Google Play (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành Android) và Apple Store (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS).

Người dân không tải hoặc cài đặt ứng dụng dành cho thiết bị thông minh qua các đường dẫn (url) hoặc các đường dẫn khác không chính thống.

Trước thực trạng các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo diễn ra, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới Doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng trên.

Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.

Khách hàng gian lận sẽ bị liệt vào 'danh sách đen' của hệ thống an ninh mạng ngân hàng

Lừa đảo mua hàng giá rẻ qua nền tảng trực tuyến để chiếm đoạt tài sản

Người phụ nữ Hà Nội bị lừa đảo trắng trợn 2,5 tỷ đồng vì cung cấp tài khoản ngân hàng cho 'công an' dởm, người dân cần nâng cao cảnh giác

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/canh-bao-ve-cac-hinh-thuc-lua-dao-pho-bien-ma-nhieu-nguoi-van-sap-bay.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến mà nhiều người vẫn "sập bẫy"
    POWERED BY ONECMS & INTECH