Sống

Cảnh kỳ vĩ bên trong hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, là nơi sinh sống của người tiền sử từ 10.000 năm trước

Quỳnh Như 07/10/2023 12:15

Bảo tàng Địa chất Việt Nam và Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản công bố kết quả cho thấy đây là hệ thống hang động núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Theo thông tin từ Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, công viên này có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thị của tỉnh, bao gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.

hang-dong-nui-lua-krong-no.jpg
Một phần Công viên địa chất Đắk Nông. Ảnh: Báo VietnamPlus.

Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước, do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái Đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Cách đây hơn 10.000 năm, nhiều miệng núi lửa trong khu vực vẫn còn hoạt động và tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo các nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước.

Các miệng núi lửa trong Công viên địa chất Đắk Nông đều có quy mô lớn, đồ sộ, tiêu biểu như núi lửa Nam Dơng (xã Nam Dong, huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang (xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Ka (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Gle (xã Thuận An, huyện Đắk Mil)… Đây đều là những điểm đến hấp dẫn, nhất là đối với du khách đam mê mạo hiểm, thích khám phá những nét độc đáo, hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô mới được xem là phần độc đáo nhất của Công viên địa chất Đắk Nông. Đến nay, các nhà khoa học và tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10km.

hang-dong-nui-lua-krong-no-1.jpg
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Báo Bảo vệ pháp luật.

Chẳng hạn như hang C7 - hang động núi lửa dạng ống với chiều dài 1.066,5m được xem là hang động núi lửa có dài nhất Đông Nam Á. Trong hang tiêu biểu là các cấu tạo cuộn thừng, cấu tạo ống trong ống, cấu tạo bóng dung nham, các cấu tích dòng chảy dung nham khá phổ biến. Từ miệng hang xuống phía dưới sâu hàng chục mét nên muốn khám phá phải được trang bị đầy đủ các đồ nghề chuyên dụng.

Tháng 12/2022, các chuyên gia quốc tế vừa khám phá ra một nhánh hang mới thuộc hang C7 với chiều dài được xác lập chính thức là 199m. Cửa hang là kiểu nguyên sinh tiêu biểu, được hình thành do hiện tượng thoát khí của dòng/ống dung nham.

hang-c7.jpg
Sơ đồ hang C7 bổ sung nhánh hang mới phát hiện – Đồ họa: Laurens Smets.

Hang C3 dài 594,4m xếp thứ hai Đông Nam Á với miệng hang được hình thành từ nguồn gốc thứ sinh do bị sập trần hang, việc xuống hang dễ dàng hơn xuống hang C7. Cửa hang núi lửa C3 trông huyền ảo và đầy kỳ bí, bên trong hang có hàng loạt những cấu tạo điển hình đối với hang động dung nham có giá trị khoa học và du lịch.

Hang C8 là một trong những hang động được các chuyên gia Nhật Bản khám phá trong chuyến nghiên cứu năm 2015. Từ miệng hang nhìn vào bên trong là một hình vòng cung với khối đá tuyệt đẹp, từ trên miệng hang đi xuống khoảng 18 - 20m có các tảng đá lớn chồng chéo lên nhau tạo thanh một lối đi xuống. Miệng hang hình bậc thang, nền hang là những khối đá lởm chởm. Trong hang rất ẩm ướt, khá tối và có nhiều sinh vật lạ sinh sống.

Nằm cách hang C8 chừng 300m là hang C9. Hang này có rất nhiều dơi sinh sống, chúng bám vào thành vách hang động tạo khung cảnh kỳ bí. Trong hang còn có khá nhiều sinh vật khác như kiến, nhện, rắn… sống rải rác.

Đặc biệt, tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học ghi nhận, khám phá nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Trong hang C6.1 có nhiều dấu tích cư trú, sinh sống của người tiền sử cách đây từ 7.000 - 10.000 năm...

hang-c7-1.jpg
Ảnh: Báo VnExpress.

Hiện nay, công tác khám phá, nghiên cứu hang động mới chỉ được tập trung vào các hang khô và có miệng lộ ra trên bề mặt đất, trong đó hang C7, C6 và C6-1 có nhiều giá trị khoa học nhất. Ở trần hang có phủ dung nham dày mỏng khác nhau. Tuy lớp phủ trần hang có đoạn rất dày nhưng những chấn động xảy ra khi núi lửa hoạt động cùng sự di chuyển của dòng dung nham nóng, lỏng đã làm ảnh hưởng đến cấu trúc của lớp vỏ cứng của ống dung nham.

Với đặc trưng về địa chất, địa hình, Công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều thác nước độc đáo, hùng vĩ. Đây là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa. “Bên trong” công viên còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Ê đê.

Đến đây, du khách có thể đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; không gian sinh hoạt văn hóa của người M’Nông - dân tộc bản địa đông và cư trú lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; đàn đá Đắk Kar, Đắk Sơn… cùng nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực của các dân tộc thiểu số bản địa.

Trường Quốc học 6 lần đón cầu truyền hình Olympia: Gần 130 năm tuổi, "địa chỉ đỏ" đào tạo nhân tài, là nơi hoạt động cách mạng đầu tiên của Bác Hồ

Phát hiện hang động lớn, nhóm công nhân huy động máy xúc đào suốt 5 ngày đêm, mở khóa 'kho báu' 10.000 tỷ đồng

Láng giềng Việt Nam biến hang động 3.000m, rộng 130m thành nơi nghiên cứu Mặt Trăng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/he-thong-hang-dong-hon-10km-voi-gan-50-hang-nui-lua-co-quy-mo-lon-nhat-dna-tai-viet-nam-la-noi-sinh-song-tu-hang-ngan-nam-truoc-cua-nguoi-tien-su-204376.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cảnh kỳ vĩ bên trong hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, là nơi sinh sống của người tiền sử từ 10.000 năm trước
    POWERED BY ONECMS & INTECH