Cao tốc không trạm dừng nghỉ, có nên làm nhà vệ sinh tạm?
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tại các vị trí đã được quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc nên làm nhà vệ sinh tạm để các xe rẽ vào giải quyết bức bí cho tài xế, hành khách.
Một loạt dự án cao tốc đưa vào khai thác nhưng không có làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ gây mất an toàn, bức bí cho tài xế và hành khách. Nhiều ý kiến cho rằng làn dừng khẩn cấp có thể triển khai sau nhưng trạm dừng nghỉ đáng lẽ phải được đưa vào khai thác đồng bộ với đường cao tốc.
Bạn đọc Trần Xuân Nghĩa bình luận: “Đâu phải 1 tuyến cao tốc mà nhiều tuyến trong tình trạng vậy, thật thiếu đồng bộ 'có hệ thống', khó chấp nhận được”.
Tương tự bạn đọc Trần Việt Hùng cũng cho rằng đây là sự đầu tư không đồng bộ, làm đường nhưng không có nơi nghỉ chân gây nguy cơ mất an toàn cho các lái xe.
Tại tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, bạn đọc Nguyễn Kiên phản ánh “qua đồi núi, eo biển rất đẹp nhưng bất cập là không có trạm dừng nghỉ. Vì thế, khi lưu thông trên đường, thi thoảng lại bắt gặp xe tấp vào lề đường để giải quyết nhu cầu của hành khách".
Nhiều bạn đọc cho rằng, nếu chưa hoàn thiện thì chưa nên cho phép khai thác cao tốc. Theo đó, bạn đọc Hải Phong chia sẻ mới chạy tuyến Cao Bồ - Mai Sơn - QL45 rất căng thẳng vì gần 80km không có trạm dừng nghỉ lại cứ phải canh để giữ tốc độ 80km/h.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, trạm dừng nghỉ được cơ quan có thẩm quyền định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, chưa rõ ràng nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ nhu cầu của nhân dân đối với một số đoạn cao tốc mới hoàn thành đưa vào khai thác.
Để giải quyết các bất cập, đầu năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Với 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, theo lộ trình mà Bộ GTVT đề ra, ít nhất phải đến cuối năm 2024 mới được đưa vào vận hành.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói: “Không thể chấp nhận cao tốc không có trạm dừng nghỉ”.
Ông Thanh cho biết, từ thời cao tốc Hà Nội- Lào Cai mới đi vào vận hành, ông đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này.
“Cao tốc gì mà hạn chế tốc độ, chỉ được chạy 80km? Cao tốc gì mà chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp và giờ thì còn không có cả trạm dừng nghỉ? Có lẽ chỉ nên gọi là đường tốc độ tốt thôi”, ông Thanh nói.
Trước thực tế này, ông Thanh cho rằng cần phải "khẩn cấp" xây dựng trạm dừng nghỉ.
“Không phủ nhận sự cố gắng của ngành giao thông trong thời gian vừa qua nhưng cũng không nên vin vào thủ tục để biện minh cho sự chậm trễ, thiếu đồng bộ như thế. Thủ tướng đã nói rất nhiều lần phải cải cách thủ tục hành chính. Người dân không chấp nhận được nguyên nhân do thủ tục, quy trình”, ông Thanh bày tỏ.
Theo ông Thanh, giải pháp cấp bách hiện nay là tại các vị trí đã được quy hoạch trạm dừng nghỉ nên khẩn trương mở đường từ cao tốc rẽ vào, san gạt nền làm nhà vệ sinh tạm để hành khách có thể giải quyết những bức bí.
Theo thống kê, đến nay, mới có 7/36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đưa vào khai thác, gồm: 2 trạm trên cao tốc Bắc Giang - Hà Nội; 1 trạm trên đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình; 1 trạm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; 1 trạm trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên; 1 trạm trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; 1 trạm trên cao tốc Bến Lức - Trung Lương.
230 tỷ đồng xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang
8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc- Nam xây dựng ở những vị trí nào?