Cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2023; thông tin doanh thu, lợi nhuận sau thuế quý 2; kế hoạch kinh doanh của một số doanh nghiệp nổi bật: VNM, PDR, POW, BSR, CTR, PVN,...
- CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) công bố kết quả ước quý 2/2023 với doanh thu 15.200 tỷ đồng - tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.220 tỷ - tăng 5,6% YoY.
Sau 6 tháng, Vinamilk ghi nhận doanh thu gần 29.200 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 4.100 tỷ - tương đương 46% và gần 48% mục tiêu cả năm.
VNM cho biết báo cáo tài chính chi tiết bán niên 2023 sẽ được công bố ngày 28/7.
- CTCP Đầu tư CMC (CMC) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với tổng doanh thu đạt gần 6,4 tỷ đồng - giảm 46% so với cùng kỳ năm trước (thấp nhất 7 quý); nhờ chi phí tài chính giảm mạnh nên lãi ròng đạt 3,4 tỷ (cùng kỳ lỗ 6,4 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đầu tư CMC ghi nhận 16,3 tỷ đồng doanh thu và 2,9 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 39% và tăng gần 240% YoY.
Đáng chú ý, danh mục chứng khoán kinh doanh của CMC vẫn duy trì ở mức gần 30 tỷ đồng so với đầu năm; trích lập dự phòng giảm từ 11,7 tỷ còn 8,2 tỷ đồng.
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cập nhật báo cáo sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2023 với tổng doanh thu ước đạt 420.100 tỷ đồng - vượt 24% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt kế hoạch 6 tháng; nộp ngân sách Nhà nước (không bao gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) ước đạt hơn 66.000 tỷ đồng.
PVN cho biết, một trong những vướng mắc lớn hiện là EVN đang nợ PVN gần 23.000 tỷ đồng (nợ đến hạn thanh toán trên 14.000 tỷ đồng).
- CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) công bố kết quả kinh doanh quý 2 tiếp tục trong trạng thái trắng doanh thu. Con số 1,8 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp là khoản phát sinh duy nhất của công ty trong quý này khiến công ty lỗ ròng 1,8 tỷ - tăng so với mức 1 tỷ cùng kỳ năm trước.
Sau 6 tháng, PAP không ghi nhận doanh thu trong khi lỗ sau thuế 3,3 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, dù không xuất hiện doanh thu song PAP bất ngờ phát sinh khoản vay nợ dài hạn 775 tỷ đồng, nâng tổng nợ phải trả lên mức 1.909 tỷ.
- CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 3.366 tỷ đồng - tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng cao; doanh thu tài chính chuyển âm khiến lãi sau thuế giảm 35,3% YoY còn 181 tỷ đồng.
Sau 6 tháng, HND mang về 5.938 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng hơn 14%; lợi nhuận sau thuế giảm 64% còn 191 tỷ đồng.
- Hồi đầu tháng 7, Fiintrade ước lợi nhuận sau thuế quý 2 của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) ở mức 282,4 tỷ đồng - giảm 30,9% so với cùng kỳ và lũy kế 6 tháng ước giảm 55,7%.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, Bất động sản Phát Đạt đã thông qua kế hoạch doanh thu 2.800 tỷ đồng và 680 tỷ lãi sau thuế. Chủ tịch PDR tiết lộ lợi nhuận quý 2 đạt hơn 360 tỷ đồng (gấp hơn 12 lần ghi nhận trong quý 1 - PV). Tính đến cuối tháng 4, Danh Khôi đã trả cho PDR 870 tỷ đồng; dự kiến từ nay tới cuối năm sẽ thanh toán hơn 1.500 tỷ đồng còn lại.
Quỹ đất của Bất động sản Phát Đạt |
- Tại hội nghị mới đây, ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng ban Kế hoạch Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (POW) cho biết ước doanh thu 6 tháng đạt 16.567 tỷ đồng - bằng 112% kế hoạch - tương đương gần 55% chỉ tiêu đã đề ra.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, PV Power dự kiến chỉ tiêu sản lượng điện là 7.838 triệu kWh, doanh thu đạt 11.627 tỷ đồng.
- CTCP Cao su Tân Biên (RTB) công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 2 với 165 tỷ đồng doanh thu - giảm 22,5% YoY; lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 45,3 tỷ.
Sau 6 tháng, RTB ghi nhận 258 tỷ đồng doanh thu - giảm 26% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng cao, doanh thu tài chính giảm mạnh và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khiến công ty lỗ thuần hoạt động kinh doanh hơn 8,9 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Đáng nói, khoản lợi nhuận khác tăng đột biến đạt 137,6 tỷ đồng (từ thanh lý, nhượng bán tài sản) nên công ty báo lãi sau thuế gần 102 tỷ đồng - tăng 7,6 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
- Theo dữ liệu từ Fiintrade, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) được dự báo có thể thu về khoảng 374 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý 2 - giảm 96,2% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ quý 3/2020.
Theo ước tính, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của BSR có thể đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng - giảm gần 84% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giống như bán niên 2022, rất có thể BSR sẽ tiếp tục vượt kế hoạch lợi nhuận chỉ sau 6 tháng.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 95.370 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.721 tỷ.
- Tổng CTCP Công trình Viettel - Viettel Construction (CTR) ước doanh thu 6 tháng đạt 5.063 tỷ đồng và lãi trước thuế 289 tỷ - cùng tăng 20% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp công ty thực hiện 49% chỉ tiêu doanh thu và hơn 47% kế hoạch lợi nhuận năm.
Mảng vận hành khai thác dự kiến đem về 2.649 tỷ đồng - tăng hơn 12% so với cùng kỳ; doanh thu từ 3 mảng xây lắp, giải pháp tích hợp và hạ tầng công trình đồng loạt tăng 46%, 1% và 44% ước đạt 1.520 tỷ, 575 tỷ và 203 tỷ. Duy nhất mảng dịch vụ kỹ thuật ghi nhận doanh thu giảm 5% YoY xuống 116 tỷ đồng.
- CTCP City Auto (CTF) công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 2 đạt khoảng 1.400 tỷ đồng - giảm so với mức 1.592 tỷ của cùng kyg năm ngoái. Sau 6 tháng, công ty ước đạt 3.027 tỷ đồng doanh thu - tương đương 33,7% kế hoạch cả năm.
Lý giải điều này, City Auto cho biết, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế gặp khó khăn đã ảnh hưởng tới thu nhập người dân, nhu cầu mua sắm ô tô chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2023. 6 tháng cuối năm, thị trường kỳ vọng sẽ hồi phục với nhiều tín hiệu tích cực từ việc hạ lãi suất, nới room tín dụng; quyết định giảm lệ phí trước bạ xuống 5% có hiệu lực đến ngày 31/12/2023,... sẽ kích thích dòng tiền đổ vào thị trường ô tô, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng tăng trở lại.
Xem thêm: Cổ phiếu nhóm APEC xuất hiện nến đảo chiều: Chỉ báo mua hay bẫy tăng giá ảo?