Cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2022 của doanh nghiệp thép

17-10-2022 23:57|Đức Quân

Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của doanh nghiệp thép được chúng tôi cập nhật tính đến ngày 17/10/2022.

Những doanh nghiệp đầu tiên đã... lỗ

Thép Thủ Đức (TDS) mở màn nhóm thép bằng pha "tái lỗ": CTCP Thép Thủ Đức - VNSteel (Mã TDS - UPCoM) là công ty đầu tiên thuộc nhóm doanh nghiệp ngành thép công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2022 với kết quả kinh doanh kém khả quan.

Tính riêng quý 3/2022, TDS ghi nhận doanh thu thuần đạt 412 tỷ đồng - tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế lại âm gần 22 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lỗ 643 triệu đồng). Theo đó, đây là quý lỗ nặng nhất của TDS kể từ năm 2008.

Đơn vị: Tỷ đồng

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TDS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.528 tỷ đồng - giảm 8,3% so với cùng kỳ; lỗ ròng 15,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 46,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý ở mức gần 110 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của TDS đạt 492 tỷ đồng - giảm 13,3% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 57% lên 22,1 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 96,5% xuống gần 3 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm nhẹ còn 420,4 tỷ đồng trong đó khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 7,5 tỷ đồng.

Nợ phải trả của TDS giảm 20% xuống 215,5 tỷ đồng trong đó khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 40,5% lên 68,3 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng từ 14 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm 57% xuống còn 46,7 tỷ đồng.

Thép Vicasa lỗ quý đậm nhất kể từ 2009: Ngay sau TDS, CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (Mã VCA - HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần hơn 477 tỷ đồng - giảm 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn cũng tăng 14% lên 487 tỷ đồng dẫn tới lỗ gộp gần 10 tỷ đồng.

Trong quý, nhiều khoản chi phí tăng mạnh với chi phí tài chính và chi phí bán hàng hàng lần lượt tăng tăng 44% và 108% lên mức gần 3,5 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng khiến VCA lỗ ròng 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của Thép Vicasa kể từ năm 2009.

Kết quả ảm đạm của quý 3 khiến Thép Vicasa lỗ ròng 13 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chuyển âm 9 tỷ.

Đến hết quý 3, tài sản ngắn hạn và dài hạn của Thép Vicasa đồng loạt giảm xuống còn 475 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Các khoản phải thu chỉ còn hơn 66 tỷ đồng - giảm 46% so với đầu năm.

Tại cuối tháng 9/2022, doanh nghiệp này nắm giữ 380 tỷ đồng hàng tồn kho - cao hơn mức 353 tỷ đồng đầu năm với dự phòng rủi do giảm giá là 3,2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm 26% xuống ở ngưỡng 178 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ âm hơn 9 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, Thép Vicasa đang vay tài chính ngắn hạn hơn 244 tỷ đồng - chiếm 50% tổng nguồn vốn tại cuối tháng 9. 

Đáng nói, cả Thép Vicasa và Thép Thủ Đức đều có điểm chung là hàng tồn kho chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản với tỉ lệ lần lượt là 71% và 85%. Cả hai doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 3,3 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng.

Thép Thái Trung (TTS) lãi quý tăng mạnh vẫn lỗ lũy kế hơn 210 tỷ đồng: CTCP Cán thép Thái Trung (Mã TTS - UPCoM) vừa công bố lết quả kinh doanh quý 3/2022 với mức lãi vẫn tăng mạnh bất chấp việc ngành thép đang tuột dốc.

Trong quý 3/2022, Thép Thái Trung ghi nhận doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng - giảm 5,6% so với cùng kỳ do sản lượng và giá bán thép giảm. Trong kỳ, công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 96.000 tấn thép - thấp hơn 2% so với quý 3/2022 do lượng tiêu thụ chậm khiến công ty phải dừng sản xuất 19 ngày.

Tuy vậy, lợi nhuận gộp lại tăng 9% lên 22 tỷ đồng. Theo giải thích từ Thép Thái Trung, điều này do giá phôi (nguyên liệu chính) giảm mạnh hơn và công ty giảm sản xuất trong giờ cao điểm giúp hạ giá điện bình quân. 

Sau trừ thuế phí, Thép Thái Trung báo lãi sau thuế quý 3/2022 đạt 6,8 tỷ đồng - gấp 3,6 lần cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng, TTS ghi nhận doanh thu gần 4.600 tỷ đồng - giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ; lãi ròng tăng 4% lên 7,9 tỷ đồng. Mặc dù vậy, công ty vẫn đang lỗ lũy kế tới 211 tỷ đồng tính đến cuối quý 3.

Cuối tháng 9/2022, Thép Thái Trung chỉ còn gần 2 tỷ đồng tiền mặt. Đáng chú ý, khoản phải thu của Công ty tăng mạnh từ 422 tỷ (đầu năm) lên 540 tỷ đồng - chiếm gần 93% tổng tài sản và chủ yếu là từ CTCP Gang Thép Thái Nguyên; giá trị hàng tồn kho giảm mạnh từ 76 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn gần 38 tỷ.

Gang thép Thái Nguyên (TIS) bất ngờ lỗ đậm sau 14 quý: CTCP Gang Thép Thái Nguyên - Tisco (Mã TIS - UPCoM) - công ty mẹ của Thép Thái Trung (tỷ lệ sở hữu là gần 47,6 triệu cổ phiếu - tương đương 93,68% vốn) cho biết đã ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2022 đạt hơn 2.600 tỷ đồng trong khi lãi gộp là 45 tỷ, giảm tương ứng 15% và 76% so với cùng kỳ.

Sự lao dốc về sản lượng tiêu thụ và giá bán thép đã kéo tụt biên lợi nhuận của TIS từ mức 6% YoY xuống còn 1,7% trong quý 3/2022. Phía doanh nghiệp cho biết sản lượng tiêu thụ trong quý giảm 21.895 tấn - tương ứng 11,4% so với cùng kỳ.

Điểm tích cực là chi phí tài chính trong kỳ giảm mạnh 45% xuống còn 38 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 60%. Kết quả, Gang Thép Thái Nguyên lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng trong quý 3/2022 trong khi cùng kỳ lãi 10 tỷ. 

lnst-cua-gang-thep-thai-nguyen-tisco-tis-tu-quy-4_2018-toi-nay-.png

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần hơn 9.525 tỷ đồng; lãi ròng 7 tỷ đồng - lần lượt giảm 1% và 93% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối quý 3/2022, Gang Thép Thái Nguyên chỉ còn nắm 26 tỷ đồng tiền mặt trong khi hàng tồn kho tăng mạnh lên hơn 2.100 tỷ đồng. Với lượng hàng tồn kho cao, việc sản lượng tiêu thụ ảm đạm và giá thép chưa hồi phục tiếp tục gây nhiều khó khăn cho hãng thép Thái Nguyên này.

Trong khi đó, nợ ngắn hạn tăng lên hơn 6.015 tỷ đồng (bao gồm 2.623 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn); nợ dài hạn ở mức 2.560 tỷ. Điều này cho thấy Gang Thép Thái Nguyên đang chịu áp lực thanh khoản lớn nếu bối cảnh khó khăn của ngành thép kéo dài.

Từ đỉnh 153 tỷ đồng, lợi nhuận Gang thép Cao Bằng (CBI) còn dưới 1 tỷ sau quý 3/2022: CTCP Gang thép Cao Bằng (Mã CBI - UPCoM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2022.

Trong quý, CBI đạt doanh thu 400 tỷ đồng - giảm 33% so với quý 3/2021 và giảm khoảng 20% so với quý liền trước. Giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn so với cùng kỳ đạt 379 tỷ đồng dẫn đến lãi gộp của công ty giảm sâu về còn 21,1 tỷ. Biên lãi gộp đạt 5,4%.

Trong khi đó, các khoản chi phí đều đi ngang so với quý 3/2021 nên kết quả, Gang thép Cao Bằng báo lãi sau thuế gần như "bốc hơi" toàn bộ so với cùng kỳ chỉ còn 750 triệu (quý 3/2021 lãi hơn 80 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng năm 2022, CBI đạt 1.718 tỷ đồng doanh thu - giảm 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở mức 43,8 tỷ - giảm tới 85% so với mức 296 tỷ đồng đạt được trong cùng thời điểm.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của công ty ở mức 1.817 tỷ đồng trong đó hàng tồn kho tăng nhẹ so với đầu năm lên 477 tỷ (bao gồm 225 tỷ đồng hàng thương phẩm) và lượng tiền mặt hơn 26,5 tỷ; nợ phải trả 1.338 tỷ trong đó 975 tỷ đồng là vay nợ.

Thép nhỏ đã lỗ - thép lớn khó chệch nhịp

Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 4 doanh nghiệp nhóm thép công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với 3/4 công ty ghi nhận lỗ đậm ngoại trừ TTS.

Những khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao, giá điện tăng, giá bán thương phẩm giảm mạnh, áp lực lãi suất từ các khoản vay cũng như thị trường và sản lượng tiêu thụ giảm khiến doanh nghiệp ngành thép tiếp tục chứng kiến sự lao dốc về kết quả kinh doanh.

Trong khi biên lãi gộp quý 3 của "mẹ con" Thép Thái Nguyên và Thép Thái Trung vẫn duy trì ở mức dương song đã giảm mạnh thì Thép Thủ Đức và Vicasa lại ghi nhận biên lãi gộp tăng trưởng âm trong bối cảnh giá bán tăng vượt doanh thu.

(Đvt: Tỷ đồng)

Tại văn bản giải trình kết quả kinh doanh quý 3, phía TDS cho biết nguyên nhân thua lỗ là do bởi giá thép giảm mạnh đồng thời ngành thép bước vào mùa thấp điểm vì mưa kéo dài. Ngoài ra, trong kỳ, TDS phải chịu chi phí lãi vay gấp 4 lần cùng kỳ lên mức 2,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, phía Vicasa giải trình nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận âm là do ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukcraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc và tình hình lạm pháp toàn cầu tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng.

Bên cạnh đó, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cũng làm giảm nhu cầu sử dụng thép qua đó làm sản lượng tiêu thụ và giá thép đồng loạt giảm. 

Và dù ban lãnh đạo VCA đã lường trước về việc sụt giảm lợi nhuận trong năm 2022. Tuy nhiên, kết quả thực tế của công ty trong 9 tháng đầu năm lại xấu hơn so với dự tính khi không dừng lại ở sụt giảm mà tiến tới thua lỗ.

Phía Thép Cao Bằng cho biết, lợi nhuận quý 3 năm nay giảm mạnh do sản lượng tiêu thụ phôi thép giảm 24,55% so với cùng kỳ còn gần 28.500 tấn. Trong khi đó, giá bán phôi thép cũng giảm mạnh 11,25% YoY còn 13,97 triệu đồng/tấn. Tình trạng tương tự cũng diễn ra nếu xét trong cả 3 quý.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Thép Pomina (Mã POM - HOSE) - doanh nghiệp chiếm gần 4,3% thị phần ngành thép) vừa phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên.

Ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết, doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng do các tác động tiêu cực từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang trong khi giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép lại giảm mạnh.

Hiện các ông lớn đầu ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, Tiến Lên, TVN, TVN, POM,... vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 song nhiều khả năm tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục đi xuống (thậm chí giảm rất mạnh) sau đỉnh cao quý 3/2021.

Trong báo cáo ước tính kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp đáng chú ý trong quý III/2022 được Công ty Chứng khoán SSI (sàn HOSE) công bố mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thậm chí được nhận định sẽ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021 còn 2.100 tỷ đồng.

Nguyên nhân được SSI chỉ ra là do giá thép đầu vào ở mức cao trong khi giá bán xuống thấp cộng với việc tập đoàn bị lỗ tỷ giá USD.

Thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây cho biết, trong tháng 9/2022, sản lượng bán hàng ngành thép đạt 920.248 tấn - giảm 21,91% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ trong đó xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn - giảm 47,9% so với tháng 9/2021.

Nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế đang ở mức thấp trong khi thị trường xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực đồng thời các doanh nghiệp sản xuất thép đang đối diện mức lỗ lớn do tồn kho ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. Trong khi đó, các nhà thương mại đang giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá thương phẩm có thể giảm.

Trên thị trường chứng khoán, tất cả các mã cổ phiếu thép đều đã giảm rất mạnh từ vùng đỉnh với việc nhiều mã đã rơi về dưới mệnh giá như POM, TLH, TIS, TVN,... Các diễn biến này phần nào đã chứng thực cho tình hình kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp ngành này trong những quý gần đây.

Và... bỗng dưng, nhà đầu tư lại nhớ đến chia sẻ của Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long tại ĐHCĐ thường niên 2022 hồi trung tuần quý 2/2022 rằng ngành thép sẽ chứng kiến các quý kinh doanh thê thảm trong 1 -2 quý tới.

Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế

 

Vietnam Rubber Group (GVR) mang 14.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, lãi quý I/2024 đạt 650 tỷ đồng

Đạm Phú Mỹ (DPM) mang 6.400 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, LNST quý I/2024 đạt 268 tỷ đồng

Thành viên nhà DIC Corp (DIG) báo lãi quý I gấp 9 lần

Bài thuộc chủ đề Sắt thép
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cap-nhat-ket-qua-kinh-doanh-quy-32022-cua-doanh-nghiep-thep-153885.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2022 của doanh nghiệp thép
POWERED BY ONECMS & INTECH