Câu chuyện biển báo 'vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm' làm nóng phiên thảo luận tại Quốc hội
Vụ việc biển báo "bảo hành 10 năm" đã trở thành tâm điểm của dư luận và truyền thông trong thời gian qua.
Chiều 25/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Theo bà Tâm, định nghĩa này vẫn còn mơ hồ và khó áp dụng vào thực tế. Đại biểu cho biết, hiện nay, khi phát sinh tình huống, vẫn có nhiều ý kiến không thống nhất về việc một nội dung cụ thể có phải là hoạt động quảng cáo hay không.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm. Nguồn: Tuổi Trẻ |
>> Cục Đường bộ: Nhà thầu cố tình không xóa quảng cáo 'bảo hành 10 năm' trên biển báo cao tốc
Dẫn chứng từ thực tiễn, nữ đại biểu đề cập đến trường hợp trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, nơi Tập đoàn Sơn Hải lắp đặt một số biển báo giao thông bao gồm cả nội dung: "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm". Dòng chữ này sau đó đã bị tháo dỡ vì vướng quy định về bảo hành đường bộ.
"Xung quanh việc này thì dư luận đặt ra vấn đề nội dung trên có phải là hoạt động quảng cáo hay không? Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nội dung này để bổ sung vào dự thảo luật, đảm bảo phù hợp thực tiễn và thống nhất trong áp dụng", bà Tâm kiến nghị.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 4/11, Tập đoàn Sơn Hải đã lên tiếng phản hồi về những thông tin cho rằng “Tập đoàn Sơn Hải cắm biển bảo hành 10 năm là trái quy định pháp luật”, “Biển bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải là tài sản Nhà nước đã được thanh toán”, và thậm chí còn có ý kiến cho rằng đây là hành động “quảng cáo” của Tập đoàn.
Theo Tập đoàn Sơn Hải, việc cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến đường này là một phần trong cam kết chính thức của Tập đoàn với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Cụ thể, trong văn bản cam kết với Bộ GTVT, có nêu rõ: “Công khai cắm biển bảo hành 10 năm để người dân tham gia giao thông có thể giám sát”.
Thêm vào đó, phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư cũng nhấn mạnh: “Phụ lục hợp đồng này là cơ sở pháp lý để Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện công khai nghĩa vụ bảo hành công trình”. Do đó, Tập đoàn Sơn Hải khẳng định rằng các biển báo bảo hành này là trách nhiệm chứ hoàn toàn không nhằm mục đích quảng cáo.
“Ngoài nội dung bảo hành 10 năm để người dân giám sát, trên biển bảo hành không có bất kỳ nội dung nào liên quan đến Tập đoàn Sơn Hải thì sao gọi là Sơn Hải quảng cáo?”, Tập đoàn cho hay.
Tập đoàn cũng chỉ rõ rằng các biển này là biển bảo hành của dự án, cung cấp thông tin như tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu và tên dự án, không phải là biển báo giao thông của Nhà nước. Do vậy, không thể xem đây là biển báo giao thông.
Tổng Bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội tiếp Tổng thống Bulgaria
Quốc hội vào tuần làm việc cuối kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự