Bất động sản

Cầu nghìn tỷ rút ngắn 70km TP. HCM đi Trà Vinh sau 10 năm thông xe: Đưa ĐBSCL cất cánh, người dân thoát cảnh ‘qua sông phải lụy đò’

Chi Chi 24/04/2025 22:30

Cây cầu góp phần hoàn thiện hệ thống cầu trên sông Tiền và có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của 2 tỉnh cũng như toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sông Cổ Chiên là một nhánh lớn của sông Tiền, đồng thời đóng vai trò là ranh giới tự nhiên giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Dòng sông này bắt nguồn từ TP. Vĩnh Long, kéo dài khoảng 82km và chảy ra biển qua hai cửa sông Cổ Chiên và Cung Hầu, nằm trên địa phận Bến Tre và Trà Vinh.

Cầu nghìn tỷ rút ngắn 70km TP. HCM đi Trà Vinh sau 10 năm thông xe: Đưa ĐBSCL cất cánh, người dân thoát cảnh ‘qua sông phải lụy đò’- Ảnh 1.
Cầu Cổ Chiên đã thông xe được 10 năm nay. Ảnh: Internet

Dù chỉ là một nhánh của sông Tiền, nhưng sông Cổ Chiên có bề ngang rộng lớn, từng là rào cản lớn đối với việc đi lại, giao thương của người dân khu vực trong suốt nhiều thập niên. Trước năm 2015, giao thông qua sông chủ yếu phụ thuộc vào các bến phà – vốn tốn thời gian, tiềm ẩn rủi ro và làm chậm nhịp phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

> > Đề xuất xây 6 hầm chui 5.000 tỷ trên tuyến đường 'rộng, thẳng hơn cao tốc' tại tỉnh giàu nhất Việt Nam

Sau 18 tháng thi công vượt khó, cầu Cổ Chiên – công trình giao thông trọng điểm do Ban Quản lý Dự án 7 (thuộc Bộ Giao thông vận tải, nay là Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư đã chính thức thông xe vào tháng 5/2015, sớm hơn kế hoạch 6 tháng. Cầu có chiều dài 1,6km, nối liền huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) với huyện Càng Long (Trà Vinh), trở thành cây cầu đầu tiên bắc qua sông Cổ Chiên.

Ban đầu, cầu được thiết kế theo mô hình dây văng 3 nhịp, nhưng sau đó được điều chỉnh sang kết cấu cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Việc điều chỉnh này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư từ 3.798 tỷ đồng xuống còn 2.308 tỷ đồng, đồng thời rút ngắn thời gian thi công mà vẫn đảm bảo hiệu quả và độ bền công trình.

Cầu nghìn tỷ rút ngắn 70km TP. HCM đi Trà Vinh sau 10 năm thông xe: Đưa ĐBSCL cất cánh, người dân thoát cảnh ‘qua sông phải lụy đò’- Ảnh 2.
Cầu có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Tiền Giang và Trà Vinh cũng như vùng ĐBSCL. Ảnh: Internet

Cầu Cổ Chiên không chỉ hoàn thiện tuyến Quốc lộ 60 xuyên suốt từ Tiền Giang đến Trà Vinh, mà còn rút ngắn quãng đường từ TP. HCM đến Trà Vinh tới 70km. Bên cạnh đó, cùng với các cầu lớn như Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cao Lãnh… cầu Cổ Chiên góp phần quan trọng trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối liên tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 11/2023, Quốc hội đã đưa dự án cầu Cổ Chiên 2 vào danh mục các công trình thuộc Nghị quyết cơ chế đặc thù. Đây là bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, giảm tải cho cầu Cổ Chiên hiện hữu và tăng cường kết nối cho tuyến hành lang ven biển phía Nam.

Theo đề xuất của tỉnh Trà Vinh, cầu Cổ Chiên 2 sẽ được xây dựng cách cầu hiện tại khoảng 30km về phía hạ nguồn. Cầu có quy mô sơ bộ là kết cấu bê tông cốt thép, thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng. Nhịp chính của cầu dài khoảng 630m, tổng chiều dài cầu và đường dẫn gần 2.800m, thiết kế bốn làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng.

Dự án cầu Cổ Chiên 2 sẽ được triển khai đồng thời với tuyến đường hành lang ven biển, kỳ vọng hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2030.

> > Chi tiết thủ tục đính chính sổ đỏ sau khi sáp nhập tỉnh thành trên cả nước

Cây cầu uốn lượn giữa rừng ngập mặn đẹp nhất miền Bắc, là cây cầu thứ 6 bắc qua 'vịnh Sydney của Việt Nam'

Cây cầu hơn 100 tuổi kết nối hai quận, huyện Hà Nội sắp bị tháo dỡ

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/cau-nghin-ty-rut-ngan-70km-tp-hcm-di-tra-vinh-sau-10-nam-thong-xe-dua-dbscl-cat-canh-nguoi-dan-thoat-canh-qua-song-phai-luy-do-202250424162137576.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cầu nghìn tỷ rút ngắn 70km TP. HCM đi Trà Vinh sau 10 năm thông xe: Đưa ĐBSCL cất cánh, người dân thoát cảnh ‘qua sông phải lụy đò’
    POWERED BY ONECMS & INTECH