Cây cầu uốn lượn giữa rừng ngập mặn đẹp nhất miền Bắc, là cây cầu thứ 6 bắc qua 'vịnh Sydney của Việt Nam'
Cây cầu không chỉ giải tỏa áp lực hạ tầng mà còn tạo đà cho thành phố biển chuyển mình, vươn tầm đô thị trung tâm tỉnh này.
Cầu Bình Minh, hay còn gọi là Cầu Cửa Lục 3, là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 1/1/2024, cây cầu này mang ý nghĩa đặc biệt trong việc kết nối hai khu vực Hạ Long và Hoành Bồ, đánh dấu bước phát triển hạ tầng sau khi hai địa phương sáp nhập hành chính vào năm 2019.

Cầu được xây dựng trong 4 năm và hoàn thành vào đầu năm 2024 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Cầu Bình Minh có tổng chiều dài hơn 2,6km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 1,64km và phần đường dẫn gần 1m.
Cầu được thiết kế với 6 làn xe cơ giới và kết cấu 5 nhịp vòm thép liên tục – một điểm nhấn hiện đại và vững chãi. Tốc độ thiết kế lên đến 60km/h. Điểm đầu cầu nối với tuyến đường bao biển Cao Xanh – Hà Khánh, tại Khu đô thị FLC Tropical City, phường Hà Khánh; còn điểm cuối giao với Quốc lộ 279 tại xã Thống Nhất.

Với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, cầu Bình Minh được xây dựng trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023. Đây là cây cầu đầu tiên tại Quảng Ninh có thiết kế 6 làn xe cơ giới, bên cạnh đó còn có vỉa hè rộng rãi cho người đi bộ, các sàn vọng cảnh và bồn hoa trang trí, tạo điểm nhấn cảnh quan, mang lại giá trị thẩm mỹ và du lịch cho toàn tuyến. Điểm đặc biệt của cầu Bình Minh là đi xuyên qua giữa rừng ngập mặn rộng bao la bát ngát nằm ven bờ vịnh Cửa Lục.

Không chỉ là hạ tầng giao thông, cầu Bình Minh còn góp phần giảm tải áp lực cho cầu Bãi Cháy và Quốc lộ 18 – hai trục đường vốn đang chịu lưu lượng giao thông lớn. Việc đưa cầu vào sử dụng giúp rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các khu vực trong thành phố, nâng cao khả năng kết nối, đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển đô thị và công nghiệp ở khu vực phía tây TP. Hạ Long.
Một điểm đáng chú ý khác là quá trình thiết kế cầu đã được điều chỉnh để bảo vệ môi trường – đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn xung quanh. Thay vì làm đường dẫn truyền thống, phần lớn chiều dài được thay bằng cầu dẫn để hạn chế xâm lấn, giúp giảm thiểu đến 70% diện tích rừng bị ảnh hưởng so với phương án ban đầu.


Đến thời điểm hiện tại, sau hơn một năm hoàn thành và đưa cầu Bình Minh đi vào hoạt động, những cánh rừng ngập mặn hai bên cầu đang tiếp tục phát triển mạnh tạo cảnh quan và điểm nhấn độc đáo cho thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Tên gọi “Bình Minh” được lấy từ ý kiến của người dân, hàm ý sự khởi đầu tươi sáng, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa hai bờ vịnh Cửa Lục. Đây không chỉ là cây cầu nối liền giao thông, mà còn là biểu tượng mới cho một thành phố Hạ Long đang vươn mình phát triển, hướng tới trở thành trung tâm du lịch quốc gia và khu vực.

Trước đó, trong Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh muốn xây dựng vịnh Cửa Lục thực sự trở thành "vịnh Sydney bên bờ vịnh Hạ Long".
Vịnh Cửa Lục rộng 18 km2 là nơi hội tụ của 6 cây cầu là: Cầu Bãi Cháy, Cửa lục 1 (cầu Tình Yêu), Cửa Lục 3 (cầu Bình Minh), cầu Bang, cầu Đá Trắng và hiện đang quy hoạch xây dựng thêm cầu Cửa Lục 2.

Chiêm ngưỡng tuyến đường cao tốc hơn 31.000 tỷ xuyên rừng ngập mặn đẹp nhất Việt Nam
7km xuyên rừng ngập mặn của cao tốc qua Đồng Nai trước dịp thông xe