Cầu quay đầu tiên ở Việt Nam tuổi đời hơn 100 năm oằn mình tránh lũ
Cầu quay đầu tiên ở Việt Nam tuổi đời hơn 100 năm đang cấm lưu thông đi lại khi lượng nước dâng cao đến mức độ 2.
Cầu Đuống là một cây cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên Quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang, quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là cây cầu quay đầu tiên tại Việt Nam mà ít người biết đến.
Cầu Đuống được chính quyền thực dân Pháp xây vào cuối thế kỷ 19 và được thông xe vào năm 1902, cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ, trụ chính đỡ nhịp cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại. Tuy nhiên, sau khi bị đánh phá trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Đuống đã được sửa lại và không còn quay được nữa.
Cầu Đuống có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: Vietnamfinance
Hòa bình lập lại, cầu được xây lại ở đúng vị trí cũ, đến năm 1981 thì hoàn thành và thông xe. Cầu này không còn các trụ số 2 và 4, nghĩa là cầu chỉ còn 3 trụ. Dầm cầu làm bằng hợp kim thép do Trung Quốc chế tạo riêng. Mặt cầu làm từ các bản bê tông cốt thép.
Cầu Đuống mới có chiều dài 225m, là cây cầu kết hợp cả đường bộ và đường sắt giống như cầu Long Biên. Đường sắt chạy chính giữa cầu là loại đường sắt đơn khổ 1.435mm. Hai bên là làn đường cho các phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ đi lại, thiết kế ban đầu dành cho xe có tải trọng tối đa 30 tấn.
Thiết kế của cầu Đuống mới. Ảnh: Bộ GTVT
Năm 2010, cầu được đại tu nhân chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên trải qua hơn 40 năm đưa vào sử dụng, cầu Đuống hiện nay đã xuống cấp nhiều. Do vậy, TP. Hà Nội đang lên kế hoạch xây dựng một cầu Đuống mới.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.877 tỷ đồng. Sau khi 2 cầu mới được xây dựng, cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ để tàu thuyền qua lại dễ dàng.
Nước dâng cao sát cầu Đuống. Ảnh: Báo Tiền Phong
Cầu Đuống sẽ được xây dựng lại theo hướng tách riêng cầu đường bộ và cầu đường sắt. Cầu Đuống đường sắt mới sẽ xây dựng về phía thượng lưu sông Đuống, cách cầu hiện nay khoảng 16,5m, trùng vị trí xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 330m, với thiết kế đường sắt khổ ray lồng 1.000mm và 1.435mm.
Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3, mực nước trên các tuyến sông đang tiếp tục dâng cao, kèm theo mưa lớn, có nguy cơ gây mất an toàn đến các công trình cầu vượt sông.
Nước lũ sông Đuống lên rất cao, nhấn chìm nhiều bãi bồi ven sông Hồng. Nhiều đoạn nước sông ngày càng tiến dần tới mép cầu.
Mực nước đã dâng lên mép cầu. Ảnh internet
Vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu Đuống, Sở GTVT Hà Nội đã ra quyết định cấm người đi bộ và phương tiện đi lại trên cầu Đuống từ 22h ngày 10/9 khi nước lũ dâng cao đến báo động 2 (+10,5m tại trạm thủy văn Long Biên).
Mọi hoạt động thi công trên cây cầu mới đường bộ và đường sắt đều cũng đang dừng lại.