Bất động sản

Cây cầu 1.800 tỷ thay thế cây cầu hơn 100 tuổi sẽ bị phá dỡ ở Hà Nội đối diện nguy cơ tạm dừng thi công

Nguyễn Thảo 25/05/2025 00:09

Dự án xây dựng cầu được chính thức khởi công tháng 7/2024 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Dự án xây dựng cầu Đuống mới – công trình giao thông trọng điểm kết nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội) – được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải, xuống cấp của cầu Đuống cũ sau hơn một thế kỷ vận hành. Tuy nhiên, sau gần một năm khởi công, dự án đang gặp khó vì chậm bàn giao mặt bằng, nguy cơ vỡ tiến độ hoàn thành vào năm 2025 như kế hoạch ban đầu.

Cây cầu 1.800 tỷ thay thế cây cầu hơn 100 tuổi sẽ bị phá dỡ ở Hà Nội đối diện nguy cơ tạm dừng thi công- Ảnh 1.
Cầu Đuống cũ. Ảnh: Internet

Cầu Đuống hiện hữu được xây dựng từ năm 1902, là một trong những cây cầu cổ nhất miền Bắc, kết hợp cả đường sắt và đường bộ trên trục Hà Nội – Lạng Sơn (Quốc lộ 1A cũ). Sau hơn 120 năm khai thác, cây cầu đã trở nên xuống cấp nghiêm trọng: tĩnh không chỉ đạt 2,8m vào mùa nước cao, khoang thông thuyền chỉ 26m, không đáp ứng tiêu chuẩn giao thông thủy nội địa. Trong khi đó, mặt cầu hẹp, lưu lượng xe lớn khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Khi cầu Đuống mới hoàn thành, cây cầu Đuống cũ sẽ bị phá dỡ.

Dự án cầu Đuống mới – do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng, trước đây là Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư – được phê duyệt năm 2022, với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Dự án gồm hai đơn nguyên là cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông. Hai cây cầu nằm cách nhau khoảng 100m, đồng thời được thiết kế hiện đại, tĩnh không thông thuyền lớn hơn để tăng năng lực vận tải thủy trên sông Đuống – tuyến hành lang thủy nội địa số 1.

> > Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có thêm khu công nghiệp đa ngành nghề quy mô hơn 600ha

Cây cầu 1.800 tỷ thay thế cây cầu hơn 100 tuổi sẽ bị phá dỡ ở Hà Nội đối diện nguy cơ tạm dừng thi công- Ảnh 2.
Phối cảnh cầu đường bộ và đường sắt vượt sông Đuống. Ảnh: Internet

Cầu đường bộ có chiều dài 382m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp dây văng, rộng 18,5m với 6 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Đường dẫn hai đầu dài khoảng 700m, kết nối từ nút giao Ngô Gia Tự (quận Long Biên) đến ngã ba Hà Huy Tập – Phan Đăng Lưu (huyện Gia Lâm).

Cây cầu 1.800 tỷ thay thế cây cầu hơn 100 tuổi sẽ bị phá dỡ ở Hà Nội đối diện nguy cơ tạm dừng thi công- Ảnh 3.
Vị trí xây dựng cầu Đuống mới. Ảnh: Báo Dân trí

Cầu đường sắt dài 1km, gồm 6 nhịp dầm thép dài 280m, thiết kế phù hợp cho đường sắt khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, vận tốc tối đa 80km/h. Đây cũng là tuyến trùng với quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 của Hà Nội. Tĩnh không cầu giai đoạn đầu là 7m, hoàn thiện đạt 9,5m, đảm bảo cho tàu hàng và tàu khách, đồng thời có lối dành cho người đi bộ.

Dự án chính thức khởi công tháng 7/2024 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, theo báo Dân trí và nhiều nguồn tin khác, đến nay, tiến độ thi công đang đối mặt với nguy cơ chậm kéo dài do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, phía Long Biên và Gia Lâm vẫn chưa hoàn tất bàn giao mặt bằng. Theo Ban QLDA đường sắt, đến nay UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm mới chỉ bàn giao một phần mặt bằng đất công, đất vườn hoa, cây xanh khoảng 4.000m2, phần mặt bằng còn lại hơn 49ha vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao cho dự án.

Cây cầu 1.800 tỷ thay thế cây cầu hơn 100 tuổi sẽ bị phá dỡ ở Hà Nội đối diện nguy cơ tạm dừng thi công- Ảnh 4.
Cây cầu 1.800 tỷ thay thế cây cầu hơn 100 tuổi sẽ bị phá dỡ ở Hà Nội đối diện nguy cơ tạm dừng thi công- Ảnh 5.
Hiện tại chỉ có phần cầu đường bộ qua lòng sông với các trụ T4, T5 đang được thi công. Ảnh: Báo Dân trí

Điều đó khiến hạng mục đường dẫn và cầu cạn không thể triển khai. Hiện tại, chỉ có phần cầu đường bộ qua lòng sông với các trụ T4, T5 đang được thi công, và dự kiến sẽ hoàn tất trong quý II/2025. Tuy nhiên, nếu không sớm tháo gỡ vướng mắc, dự án có thể phải tạm dừng từ tháng 7/2025 do không có mặt bằng để thi công phần đúc hẫng.

Trong vòng chưa đầy một năm, Ban QLDA đã 7 lần gửi văn bản đến UBND TP. Hà Nội đề nghị hỗ trợ, nhưng nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Văn bản gần nhất gửi tháng 3/2025 cho biết các hạng mục không vướng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, trong khi các khu vực trọng điểm vẫn giậm chân tại chỗ.

Cầu Đuống mới không chỉ là hạ tầng giao thông liên vùng giữa Hà Nội – Bắc Ninh, mà còn góp phần nâng cao năng lực vận tải thủy, giảm tải áp lực cho Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng. Dự án cũng là một mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực phía Đông Bắc Thủ đô, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, với tình trạng thi công cầm chừng hiện nay, mục tiêu về đích trong năm 2025 đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nếu không kịp thời giải quyết bài toán mặt bằng, công trình trọng điểm này sẽ tiếp tục lỡ hẹn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông liên tỉnh và định hướng phát triển bền vững của khu vực.

> > Một sân bay ở miền Trung xuất hiện vết nứt ở đường băng

Sắp khởi công 6 cây cầu bắc qua con sông đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam

Đúng 3 tháng nữa, cây cầu gần 7.000 tỷ, cách cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam thiết kế 3,8km sẽ khánh thành

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/cay-cau-1800-ty-thay-the-cay-cau-hon-100-tuoi-se-bi-pha-do-o-ha-noi-doi-dien-nguy-co-tam-dung-thi-cong-202250524165612636.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Cây cầu 1.800 tỷ thay thế cây cầu hơn 100 tuổi sẽ bị phá dỡ ở Hà Nội đối diện nguy cơ tạm dừng thi công
    POWERED BY ONECMS & INTECH