Central Retail, WinMart, FPT Retail, Digiworld... thuộc top những công ty bán lẻ uy tín nhất Việt Nam
Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.200 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.
CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024, bao gồm các tên tuổi lớn như Central Retail, Saigon Co.op, Thế giới Di động (MWG), FPT Retail (FRT) và PNJ. Các công ty này được đánh giá dựa trên ba tiêu chí chính: năng lực tài chính, uy tín truyền thông và khảo sát các bên liên quan.
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024, tháng 9/2024 |
Bảng xếp hạng chia thành ba nhóm, đứng đầu nhóm siêu thị là Central Retail, tiếp đến là Saigon Co.op và chuỗi WinMart của Masan. Trong nhóm bán lẻ điện máy, Thế giới Di động, FPT Retail, Viettel Store và Digiworld (DGW) chiếm các vị trí dẫn đầu. Cuối cùng, ở nhóm bán lẻ kim hoàn, PNJ, Doji và SJC là những doanh nghiệp dẫn đầu.
>> Các đại gia bán lẻ quốc tế ‘đua’ mở rộng thị trường tại Việt Nam
Báo cáo từ Vietnam Report nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp bán lẻ đang đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường. Những tập đoàn lớn với nguồn lực tài chính mạnh mẽ chiếm ưu thế, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều thách thức trong việc giữ vững thị phần. Tuy nhiên, về dài hạn, sự cạnh tranh này sẽ góp phần làm thị trường bán lẻ minh bạch hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao.
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024, tháng 9/2024 |
Năm 2023, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thị trường dần có những dấu hiệu phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, 74,6% doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận doanh thu tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước, dù mức tăng trưởng này vẫn còn khiêm tốn.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.200 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Dù có mức tăng trưởng dương, thị trường bán lẻ vẫn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như giai đoạn 2022-2023. Các chuyên gia cho rằng ngành bán lẻ cần thêm các biện pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển.
Bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ vẫn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự phục hồi của nền kinh tế, xu hướng tiêu dùng tăng cao vào cuối năm, cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Theo dự báo của KPMG Việt Nam, từ năm 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 5,5%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội cho ngành bán lẻ phát triển.
Khảo sát của Vietnam Report vào tháng 9/2024 cho thấy, phần lớn người tiêu dùng lạc quan về tình hình tài chính của họ trong 12 tháng tới, với 69,9% tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Niềm tin này hứa hẹn sẽ giúp tăng cường chi tiêu trong tương lai, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng thị phần và củng cố vị thế.
>> WinCommerce mở mới thêm 60 cửa hàng, mang 8.600 tỷ đồng doanh thu về cho Masan (MSN)
Các đại gia bán lẻ quốc tế ‘đua’ mở rộng thị trường tại Việt Nam
Tập đoàn Masan: Xây dựng nền tảng tiêu dùng bán lẻ vững chắc phục vụ người Việt