Tập đoàn Masan: Xây dựng nền tảng tiêu dùng bán lẻ vững chắc phục vụ người Việt
Từ một công ty hàng tiêu dùng, Masan chuyển đổi trở thành nền tảng “kết nối vạn nhu cầu”, phục vụ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày và chiếm đến 80% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam.
Huy động 5 tỷ USD vốn đầu tư
Ông Michael Hung Nguyen - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan đánh giá, Masan (HoSE: MSN) là công ty khá “chăm chỉ” thực thiện các thương vụ M&A.
Trong lịch sử hoạt động của mình, Masan đã liên tiếp bổ sung các mảnh ghép với chuỗi các thương vụ M&A khác nhau, như: thâm nhập và nắm giữ hơn 98% Vinacafé Biên Hòa (VCF); mua kiểm soát bột giặt NET, Nước khoáng Quảng Ninh, Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn; mua Công ty TNHH Sam Kim, đổi tên thành Masan Nutri-Science và sau đó đổi thành Masan MEATLife (MML)… Hay mới đây là các thương vụ mua cổ phần kiểm soát chuỗi trà và café Phúc Long, công ty mạng MVNO Mobicast… Trong đó, thương vụ M&A “đình đám” nhất của Masan phải kể đến quyết định sáp nhập VinCommerce (hiện là WinCommerce) vào năm 2019 để thâm nhập vào lĩnh vực bán lẻ.
“Masan có đang đầu tư quá dàn trải hay không và Masan đang tự định nghĩa mình như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Giám đốc Masan Group cho biết: “Nhà đầu tư thấy công ty từ bán nước mắm, nước tương tới bán cà phê, bán thịt… thì lại nghĩ Masan đang làm quá nhiều. Nhưng khi nhìn kĩ vào danh mục của Masan, chúng ta có thể thấy rằng tập đoàn đang tập trung phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu”.
Từ một công ty hàng tiêu dùng, nơi mà các sản phẩm FMCG từng được xem như “những con gà đẻ trứng vàng”, Masan đã chuyển đổi trở thành nền tảng “kết nối vạn nhu cầu”, phục vụ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày và chiếm đến 80% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam.
Ban lãnh đạo Masan Group trước đây cho biết, khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, tập đoàn này đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung. Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam.
Theo dữ liệu của Masan, trong 17 năm qua, tập đoàn này đã huy động xấp xỉ 5 tỷ USD vốn đầu tư. Nguồn vốn này được phân bổ vào danh mục các công ty tiêu dùng đang ngày càng mở rộng và hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất tiêu dùng nêu trên, hướng đến tăng trưởng chiến lược.
“Các nhà đầu tư như: KKR, TPG, SK Group… đều đầu tư nhiều hơn 1 lần. Điểm chung của các nhà đầu tư nay là đều hướng tới sự hợp tác lâu dài”, ông Michael cho biết.
Tín hiệu tích cực từ nền tảng tiêu dùng - bán lẻ
Hàng tiêu dùng (Masan Consumer) và bán lẻ (WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, WiN) hiện là 2 mảng kinh doanh cốt lõi chiếm đến 80% doanh thu và lợi nhuận của Masan Group.
Thời điểm được Masan Group mua lại, EBITDA của WinCommerce âm 7% và hiện nay chỉ số này đang dương 4%, tức cải thiện 11% trong vòng 4 năm. WinCommerce cũng đã ghi nhận lợi nhuận ròng dương liên tiếp trong tháng 6, 7, 8/2024. Hiện nay, nhà bán lẻ này có gần 3.700 điểm bán trên toàn quốc với đa dạng mô hình cửa hàng phục vụ người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan, trọng tâm kế tiếp của doanh nghiệp là tiếp tục dồn lực cho mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi. Trong đó bao gồm công tác IPO cho Masan Consumer (công ty thành viên kinh doanh hàng tiêu dùng có thương hiệu thuộc Tập đoàn Masan) trong năm 2025, đồng thời tăng cường chiến lược Go Global, quảng bá hương vị Việt đến người tiêu dùng toàn cầu. Đối với mảng bán lẻ WinCommerce, Masan tiếp tục tối ưu lợi nhuận, cải thiện vận hành, phát triển chương trình Hội viên WiN và các chương trình khuyến mãi được cá nhân hóa.
Bên cạnh đó, để ngày càng tập trung vào mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ, Masan cũng đang làm việc với các nhà đầu tư chiến lược giảm lợi ích tại mảng kinh doanh không cốt lõi. Các hoạt động chiến lược giúp giảm đòn bẩy tài chính, cải thiện bảng cân đối kế toàn tiếp tục được Masan thực thi xuyên suốt trong thời gian tới.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Masan Group cho biết, tập đoàn này ghi nhận 1.425 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, 607 tỷ đồng cho lợi nhuận sau thuế sau khi phân bổ cho cổ đông thiểu số. Như vậy, nửa đầu năm 2024, Masan đã đạt hơn 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm theo kịch bản cơ sở được cổ đông phê duyệt vào đầu năm. Với các kết quả tích cực ở mảng kinh doanh tiêu dùng - bán lẻ cốt lõi và sự hồi phục của thị trường, Masan kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, tiếp tục tạo ra giá trị vượt trội cho cổ đông của công ty.
Masan (MSN) trao 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào tỉnh Lào Cai
Đối thủ của Masan (MSN) 'trượt chân' trên đường đua thị giá, nhường ngôi á quân cho một công ty bia