CEO đế chế ô tô hàng đầu Trung Quốc phản đối thay hết xe xăng bằng xe điện
Ngay cả ở một thị trường ô tô “phát cuồng” vì xe điện như Trung Quốc, một số Giám đốc điều hành ngành xe hơi vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục bởi điện khí hóa.
Xe điện không phải là tất cả
Ông Gui Shengyue, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Geely Automobile Holdings, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, tin rằng ô tô động cơ đốt trong (ICE) vẫn sẽ là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của công ty.
“Là một nhà sản xuất ô tô, bạn sẽ mất đi một động lực tăng trưởng lợi nhuận nếu bạn không sản xuất ô tô chạy xăng”, ông Gui nói với tờ South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 18/12. Vị CEO này còn lưu ý rằng xe điện “không hoàn toàn phản ánh” thị trường ô tô.
>> Ô tô Malaysia ‘đổ bộ’ Việt Nam, đối đầu Honda HR-V, Mitsubishi Xforce và Toyota Corolla Cross
Geely Auto đã bán được 1,97 triệu chiếc ô tô trong 11 tháng đầu năm 2024, gần đạt mục tiêu bán hàng hằng năm là 2 triệu xe. Khoảng 777.000 trong số đó là “xe năng lượng mới”, một thuật ngữ tiếng Trung bao gồm cả xe điện chạy bằng pin và xe hybrid (xe chạy cả bằng xăng lẫn bằng điện) cắm điện.
Trong khi một số mẫu xe điện của hãng đang có doanh số tốt với người tiêu dùng Trung Quốc, Geely vẫn bị lu mờ trước đối thủ lớn nhất trên thị trường xe điện Trung Quốc - BYD, công ty dẫn đầu thị trường và đã bán được tới 3,8 triệu xe năng lượng mới từ tháng 1 đến tháng 11.
Cần thận trọng khi đầu tư toàn bộ vào EV
Ông Gui Shengyue, CEO của Geely không phải là Giám đốc điều hành ô tô duy nhất thận trọng về sự chuyển dịch sang xe điện.
Chủ tịch Toyota Akio Toyoda từ lâu đã hoài nghi về xu hướng phát triển xe điện chạy bằng pin. Thay vào đó, ông ủng hộ phương pháp tiếp cận “đa hướng”, bao gồm xe chạy bằng động cơ hybrid và xe ICE chạy bằng nhiên liệu thay thế.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu khác đang thu hẹp kế hoạch sản xuất xe điện đầy tham vọng của họ khi nhu cầu giảm. Vào tháng 5/2024, Volkswagen cho biết họ sẽ sản xuất nhiều xe hybrid cắm điện hơn để ứng phó với nhu cầu chậm lại đối với xe điện chạy bằng pin.
Vào tháng 7, GM đã lùi mục tiêu sản xuất 1 triệu xe điện vào cuối năm sau. Ford cũng đã thu hẹp tham vọng sản xuất xe điện của mình vào tháng 8 và hủy bỏ kế hoạch sản xuất một chiếc SUV (dòng ô tô thể thao đa dụng) điện.
Tuy nhiên, sự hoài nghi của ông Gui là điều mới lạ ở Trung Quốc, nơi ngành công nghiệp ô tô đã chuyển hướng mạnh mẽ sang xe điện. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Rho Motion, Trung Quốc chiếm đến 70% tổng doanh số bán xe điện vào tháng 11.
Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, một phần là nhờ vào các loại xe điện giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, xe chạy bằng xăng vẫn là một phần quan trọng trong ngành ô tô của Trung Quốc. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất ô tô nước này còn xuất khẩu xe chạy bằng xăng sang các thị trường vẫn chưa chấp nhận xe điện, như Trung Đông, Mỹ Latinh và ngày càng nhiều là Nga.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bao gồm cả Geely, đã nhanh chóng bán xe chạy bằng xăng cho người tiêu dùng Nga để thay thế các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã rút lui sau chiến dịch quân sự của Moscow vào Ukraine.
Nhưng ông Gui Shengyue vẫn kỳ vọng xe chạy bằng xăng sẽ thay đổi theo thời gian. Chúng sẽ “phải tiết kiệm nhiên liệu để hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm khí thải”, ông nói với tờ South China Morning Post . “Chúng sẽ trở nên thông minh hơn, giống như xe điện”, ông nói tiếp, ám chỉ đến công nghệ mới được tìm thấy trong xe điện do Trung Quốc sản xuất.
“Đế chế” rộng lớn của Geely
Geely là một phần của “đế chế” ô tô rộng lớn thuộc sở hữu của Zhejiang Geely Holding Group (Trung Quốc), công ty xếp hạng 185 trong danh sách Global 500 (500 công ty hàng đầu thế giới) của Fortune và được ông Li Shufu thành lập vào năm 1986. Geely Automobile Holdings là công ty con của Tập đoàn được niêm yết tại Hồng Kông.
Geely sản xuất một số thương hiệu xe điện nhắm đến các phân khúc khác nhau của thị trường ô tô Trung Quốc, bao gồm Zeekr, một thương hiệu cao cấp đang cố gắng cạnh tranh với Tesla và các công ty khởi nghiệp xe điện địa phương như Nio và Xpeng.
Zeekr cũng đã huy động được 440 triệu USD trong đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào đầu năm nay, một đợt niêm yết hiếm hoi tại Mỹ đối với một công ty Trung Quốc.
Tập đoàn Zhejiang Geely Holding cũng sở hữu hãng xe Thụy Điển Volvo. Vào tháng 9, Volvo đã hủy bỏ kế hoạch chỉ bán xe điện vào năm 2030.
Cả Geely Auto và Volvo đều sở hữu cổ phần tại Polestar, một nhà sản xuất xe điện của Thụy Điển. Polestar đã phải vật lộn để đạt được mục tiêu bán hàng trong bối cảnh thị trường xe điện nói chung đang chậm lại. Công ty đã thay thế CEO của mình vào tháng 10, bổ nhiệm Michael Lohscheller, một CEO kỳ cựu về ô tô, vào vị trí này.
Geely cũng nắm giữ 49,9% cổ phần của hãng sản xuất ô tô Malaysia Proton, hãng đã ra mắt mẫu xe điện đầu tiên do hãng sản xuất trong nước vào tuần này trong một buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Tuần trước, Ji Yue, một liên doanh sản xuất xe điện giữa Geely và công ty công nghệ Trung Quốc Baidu, đã thừa nhận rằng họ cần phải tái cấu trúc hoạt động để có thể trụ vững trên thị trường xe hơi cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc.
Sau đó, công ty đã đăng tải thông điệp trên mạng xã hội để trấn an khách hàng rằng họ sẽ tiếp tục giao xe, ngay cả khi các video về nhân viên thách thức CEO lan truyền trên mạng xã hội.
Theo Caixin, vào thứ Sáu tuần trước (13/12), cả Baidu và Geely đều thông báo rằng họ sẽ giúp Ji Yue thực hiện các khoản thanh toán quan trọng và đảm bảo cung cấp các dịch vụ sau bán hàng.
Theo Fortune.com/Yahoo! Finance
Chấn động: Hãng xe điện Trung Quốc bất ngờ tuyên bố giải thể, Giám đốc bỏ trốn, giá xe giảm còn 1/10
Sau VinFast, đến lượt nhà phân phối xe điện Trung Quốc tăng cường tuyển dụng công nhân tại Hưng Yên