CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm - 'Bóng hồng quyền lực' kinh qua 4 đời Chủ tịch Sacombank (STB)
CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm đã đồng hành cùng Sacombank (STB) 23 năm 'đạp sóng, rẽ gió', kinh qua 4 đời Chủ tịch để đưa ngân hàng trở lại đường đua.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, là Tiến sỹ ngành Tài chính - Ngân hàng. Bà Diễm có 11 năm kinh nghiệm trong mảng tài chính - ngân hàng. Bà đã từng đảm nhiệm các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ.
Mới đây, Tạp chí Fortune của Mỹ đã công bố danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 với sự góp mặt của nhiều nữ doanh nhân đến từ 11 quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bà Diễm là 1 trong 3 gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu Việt Nam được vinh danh.
Nữ tướng 'đạp sóng, rẽ gió' 23 năm đưa Sacombank trở lại đường đua
Gia nhập Sacombank (STB) từ tháng 6/2002, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã trải qua nhiều vị trí từ cơ bản đến cấp cao. Bắt đầu với vai trò chuyên viên tài chính, bà đã dần thăng tiến và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy Sacombank.
Tháng 7/2017, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được giao trọng trách giữ vị trí Tổng Giám đốc điều hành, đúng thời điểm ngân hàng đang từng bước vào giai đoạn tái cơ cấu sau sáp nhập - giai đoạn đầy thách thức với nhiều khó khăn nội tại.
Sacombank lúc bấy giờ phải đối diện với các khoản nợ xấu lớn của giai đoạn trước để lại, tài sản có không sinh lời chiếm 30% tổng tài sản của nhà băng này. Không những vậy, tình hình khó khăn còn khiến Sacombank đối mặt với "dòng chảy chất xám" khi những nhân sự giỏi liên tục bị các ngân hàng khác câu kéo bằng các chính sách phúc lợi hấp dẫn hơn. Khách hàng của Sacombank cũng bị đối thủ cạnh tranh kéo đi không ít.
Trước áp lực đó, nữ tướng CEO Sacombank một mặt phải tiếp tục duy trì điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng hiệu quả, từng bước đưa Sacombank trở lại tốc độ tăng trưởng tích cực, một mặt phải xử lý nhanh chóng những tồn đọng sau sáp nhập trong đó chú trọng nhất là xử lý nợ xấu và tái cấu trúc mọi mặt hoạt động của ngân hàng.
CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm - 'Bóng hồng quyền lực' kinh qua 4 đời Chủ tịch Sacombank |
Dù gắn bó với Sacombank nhiều năm và kinh qua nhiều vị trí công tác, nhưng tiếp nhận vai trò Tổng Giám đốc với tình trạng nợ xấu cao, hoạt động kinh doanh chững lại và uy tín thương hiệu giảm sút là một thách thức không hề nhỏ.
Tuy nhiên, bà Diễm vẫn luôn giữ tinh thần của một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, đặt lợi ích của cổ đông, khách hàng và nhân viên lên hàng đầu. Bà chấp nhận mọi khó khăn để dẫn dắt ngân hàng trong hành trình đổi mới và tái cấu trúc mạnh mẽ, đưa Sacombank trở lại con đường tăng trưởng và phát triển bền vững.
Dưới sự lãnh đạo của vị "nữ tướng", Sacombank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình tái cấu trúc và phát triển bền vững. Sacombank từ một trong những ngân hàng tư nhân với quy mô tài sản 4.296 tỷ đồng vào năm 2002 và vươn lên đạt hơn 674.000 tỷ đồng vào năm 2023.
Sau 7 năm triển khai đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã xử lý gần hết tài sản tồn đọng và trích lập dự phòng gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC. Giá trị ròng của trái phiếu VAMC giảm xuống khoảng 1.800 tỷ đồng vào cuối năm 2023, từ mức trên 41.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
>>'Bóng hồng' quyền lực đứng phía sau 2 thế hệ Chủ tịch ngân hàng ACB
Kết quả, từ năm 2016 đến nay, tình hình kinh doanh của Sacombank đã có những bước tăng trưởng ấn tượng. Bằng chứng, tổng tài sản ngân hàng tăng và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng lên gấp đôi, lợi nhuận trước thuế tăng lên đến 62 lần và tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm từ 6,8% xuống còn 2,1% vào năm 2023.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Sacombank đạt 4.288 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 50,4% kế hoạch cả năm.
'Bóng hồng quyền lực' kinh qua 4 đời Chủ tịch Sacombank
23 năm 'đạp sóng rẽ gió' cùng với Sacombank, bà Diễm đã trở thành nhân vật chủ chốt trong giai đoạn phát triển quan trọng của ngân hàng này. Trong hành trình ấy, bà đã chứng kiến và trải qua nhiều thăng trầm dưới sự lãnh đạo của 4 đời Chủ tịch HĐQT.
Ông Đặng Văn Thành là người lãnh đạo cao nhất tại STB giai đoạn 2002-2012. Vị doanh nhân chính là người sáng lập Sacombank trước khi nâng tầm ngân hàng trở thành một trong những NHTM lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2012 đánh dấu bước ngoặt khi ông Thành từ chức giữa những biến động lớn trong hệ thống. Đây là thời điểm khó khăn khi thị trường tài chính Việt Nam gặp nhiều sóng gió, và sự rời đi của “vua mía đường” đã để lại khoảng trống không nhỏ tại Sacombank.
Sau ông Thành, ông Phạm Hữu Phú là người kế nhiệm ghế Chủ tịch STB từ năm 2012 đến 2015. Trong thời gian nắm quyền, ông Phú để lại những dấu ấn đưa Sacombank vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính và nợ xấu sau quá trình mở rộng. Đây cũng là thời điểm Sacombank đã tiến hành tái cơ cấu, củng cố lại bộ máy và chiến lược hoạt động.
Sang năm 2015, chiếc ghế Chủ tịch Sacombank lại được tiếp quản bởi ông Kiều Hữu Dũng. Đáng chú ý, đây là giai đoạn nhà băng phải đối mặt với nhiều vấn đề về hợp nhất sau sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, cũng là thời điểm nà băng này bắt đầu khởi phát câu chuyện về chia cổ tức.
Ông Dũng giữ vai trò Chủ tịch đến năm 2017, trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm là ông Dương Công Minh giữa bối cảnh Sacombank đang cần sự đổi mới mạnh mẽ hơn. Dưới sự lãnh đạo của ông Minh, đến nay, Sacombank đã tiến hành mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc, tập trung vào xử lý nợ xấu và cải thiện năng lực tài chính, củng cố vị thế trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
>>'Người đẹp kiêu sa' của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy nắm giữ khối tài sản ra sao?