Chân dung ông chủ CTCP Sữa Hà Lan đã sản xuất và đưa ra thị trường hàng vạn hộp sữa bột kém chất lượng
Mục tiêu ban đầu của ông chủ CTCP Sữa Hà Lan là ''nghiên cứu sản xuất các dòng sữa bột dành cho trẻ em và các dòng sữa khác để phục vụ cho sức khỏe người Việt Nam''.
Ngày 13/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã ra khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương - Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Hà Lan về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm".
Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và thu giữ 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, đại diện cho 33 loại sản phẩm của 8 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk. Kết quả giám định cho thấy 66/67 mẫu sản phẩm có chất lượng dưới 70%, vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tổng cộng, số lượng hàng hóa bị phát hiện vi phạm lên tới 29.400 lon/hộp, với giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỷ đồng.
Đáng nói, những sản phẩm sữa này được quảng cáo là phù hợp với mọi đối tượng sử dụng từ trẻ sơ sinh đến người già, bà bầu, những người có bệnh lý,... Khi sử dụng các loại sữa bột giả, kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dùng cả trong nhất thời và về lâu dài, đặc biệt là đối với trẻ em.
Một số sản phẩm của Holland Milk |
Chân dung CTCP Sữa Hà Lan và ông Nguyễn Trung Vương
Công ty CP Sữa Hà Lan được thành lập vào ngày 25/5/2016, do ông Nguyễn Trung Vương (sinh năm 1983) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập gồm Đào Hữu Biên, Nguyễn Trung Vương, Nguyễn Xuân Thuấn và Phạm Phú Trọng, mỗi người đóng góp từ 600 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng, chiếm các tỷ lệ từ 10% đến 30%.
Ngoài trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty, ông Trung Vương còn là đại diện tại thời điểm thành lập của các công ty: Công ty TNHH Dược phẩm Long Phương (công ty có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trong đó ông Vương góp 50%); Công ty TNHH Thương mại Quốc tế DP Long Vương Korea (vốn điều lệ 500 triệu, trong đó ông Vương góp 60%); CTCP Sữa Y tế - nhà máy Laxdomax (vốn điều lệ 1 tỷ đồng, trong đó ông Vương góp 30%); CTCP Công nghệ Cao Thái Dương (công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng)....
Đối với các đơn vị gia công tại nhà máy Holland Milk gồm 4 Công ty (CTCP Dược phẩm Fukuoka; CTCP Tập đoàn Panda Việt Nam, CTCP Nutriday Việt Nam và CTCP Tập đoàn dinh dưỡng 24h Việt Nam), Nguyễn Trung Vương có tham gia cổ phần nhưng chỉ chịu trách nhiệm khâu sản xuất, còn việc kinh doanh do các Công ty trên độc lập thực hiện.
Đáng nói, ông Nguyễn Trung Vương từng chia sẻ về mối nhân duyên khi thành lập Công ty Sữa Hà Lan: “Năm 2016, xuất phát từ tâm nguyện muốn cải thiện thể trạng sức khỏe cho 3 người con của mình (khi đó các con tôi còi cọc, thường xuyên đau ốm), tôi đã bàn với vợ nghỉ việc ở công ty dược để chuyển sang nghiên cứu sản xuất các dòng sữa bột dành cho trẻ em và các dòng sữa khác để phục vụ cho sức khỏe người Việt Nam. Quyết định của tôi được vợ nhiệt tình ủng hộ và hậu thuẫn”.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Lan Nguyễn Trung Vương |
>> Điều tra vụ nhập gần 12.000 sản phẩm giả trên Facebook để bán “kiếm lời”
Cũng theo giới thiệu, Công ty đã đạt được chứng nhận GMP, ISO về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của Công ty này đã có trên 300 sản phẩm được chia thành 2 dòng sữa chính: Sữa bò và sữa dê. Các sản phẩm này phù hợp với mọi đối tượng sử dụng từ trẻ sơ sinh đến người già, bà bầu...
Đặc biệt, Công ty còn có những sản phẩm sữa chuyên biệt dành cho những người có bệnh lý về: Dạ dày, tá tràng, những người bị đau xương khớp, tiểu đường, tiền tiểu đường, người biếng ăn, tiêu hóa kém, người cần bổ sung dinh dưỡng... Tất cả các sản phẩm của công ty đều được nghiên cứu, phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu đến từ Hà Lan, cung cấp cho người Việt các sản phẩm sữa dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bản thân Tổng giám đốc Nguyễn Trung Vương là người có trình độ đại học dược, nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng, ATTP đối với tính mạng, sức khoẻ con người, nhất là nhóm đối tượng trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và người cao tuổi có bệnh lý nền. Nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là vi phạm pháp luật, nhưng vì mục đích tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, thu lợi nhuận cao nên Vương vẫn chỉ đạo thực hiện.
Hàng ngàn hộp sữa kém chất lượng bị phát hiện
Công ty Sữa Hà Lan, có trụ sở chính tại 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, Hà Nội. Công ty đã xây dựng nhà máy Holland Milk tại Km39 Quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nhà máy này đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và hồ sơ công bố sản phẩm.
Tuy nhiên đến cuối năm 2022, qua công tác nghiệp vụ của phòng Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, dịch vụ du lịch (Phòng 6), Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an đã phát hiện dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại công ty này.
Quá trình điều tra và xác minh đã cho thấy ông Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty Sữa Hà Lan, trực tiếp chỉ đạo các nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm. Đáng chú ý, việc điều hành này chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính và các ứng dụng như Zalo, giữa ông Vương và các nhân viên.
Khu vực tập kết nguyên liệu sản xuất sữa. Ảnh ANTĐ |
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, tổng số lượng thành phẩm của 65 trong số 67 lô hàng hóa chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp. Điều này tương đương với 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố, với tổng giá trị hàng hóa theo hóa đơn xuất bán lên đến 4,1 tỷ đồng. Mức giá bán bình quân cho mỗi hộp sữa kém chất lượng này là khoảng 150.000 đồng.
Dây chuyền sản xuất sữa của Công ty CP sữa Hà Lan |
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm để phục vụ công tác xử lý, trong khi 2.011 hộp đã được bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng vẫn chưa thể thu hồi. Những sản phẩm này đã được phân phối qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm các tổ chức công đoàn, các hội thảo giới thiệu sản phẩm, và qua các trang mạng xã hội.
Ngoài việc khởi tố vụ án hình sự Cục Cảnh sát môi trường đã ra quyết định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với 8 Công ty liên quan với số tiền phạt 985 triệu đồng.
>> Bắt Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan vì sản xuất hàng giả
Khởi tố, bắt tạm giam nữ Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp ở Hưng Yên
Cập nhật vụ Vạn Thịnh Phát: Điều tra, khởi tố thêm tội đưa - nhận hối lộ tại Lâm Đồng