Chi hàng chục tỷ USD, Trung Quốc sẽ đẩy thế giới vào khủng hoảng thừa chip thế hệ cũ?
Việc đầu tư quá mức của Trung Quốc được cho là sẽ tạo ra áp lực về giá đối với các công ty trong ngành trên toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu SEMI, Trung Quốc đã chi tới 24,73 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024 để mua thiết bị sản xuất chip.
Con số này vượt xa mức 23,68 tỷ USD mà Hàn Quốc, đảo Đài Loan, Bắc Mỹ và Nhật Bản đã chi trong cùng kỳ. Mỹ chiếm phần lớn chi tiêu ở Bắc Mỹ.
Khoản đầu tư lớn này được thúc đẩy bởi những nỗ lực tự chủ về chip của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu rủi ro do các hạn chế của phương Tây có thể cản trở khả năng tiếp cận công nghệ quan trọng của họ.
Trung Quốc bắt đầu tăng cường mua thiết bị sản xuất chip kể từ khi Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn vào tháng 10/2022.
SEMI chỉ ra, chi tiêu hàng năm tăng vọt từ 28 tỷ USD vào năm 2022 lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023. Con số này dự kiến sẽ vượt quá 35 tỷ USD trong năm nay.
Clark Tseng, Giám đốc cấp cao tại SEMI, nói rằng việc tích trữ có khả năng sẽ kéo dài sang nửa cuối năm nay, nhưng ông dự đoán nó sẽ chậm lại vào năm tới để "tiêu hóa công suất".
Quy mô kinh tế hay dư thừa công suất?
Ông Tseng cho biết, việc đầu tư quá mức như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến "công suất kém hiệu quả hoặc không được sử dụng hết trong tương lai", tạo ra áp lực về giá cho các đối thủ cùng ngành bên ngoài Trung Quốc.
Quốc gia này có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất chip thế hệ cũ, được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, ô tô và đồ gia dụng.
Thế giới có thể sớm phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung chip cũ, như đã thấy trong một số ngành công nghiệp khác như xe điện và tấm pin mặt trời. Nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty Trung Quốc đang tràn ngập thị trường với sản phẩm rẻ hơn.
Nhưng "Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước" khi nói đến chip tiên tiến và mạnh mẽ hơn, Alex Capri - giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore và nghiên cứu viên tại Quỹ Hinrich - nhận định.
Chip tiên tiến có bóng bán dẫn nhỏ hơn, cho phép đóng gói nhiều hơn trên một chip bán dẫn duy nhất và mang lại khả năng xử lý mạnh mẽ.
Nhà phân tích lưu ý rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã cắt đứt Trung Quốc khỏi công nghệ sản xuất tiên tiến, được gọi là thiết bị quang khắc cực tím (EUV). Lệnh hạn chế đã tạo ra một nút thắt có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tiến tới sản xuất chip tiên tiến hơn.
Capri bình luận: "Họ đang cố gắng tìm ra cách chế tạo nó, nhưng điều đó gần như không thể".
Mặc dù SMIC đã có bước đột phá khi sản xuất chip 7nm mà không cần máy EUV, nhưng ông cho biết "việc này vẫn ít hiệu quả và tốn kém hơn nhiều so với việc sử dụng thiết bị tiên tiến".
>> Siêu cường châu Á đối mặt khủng hoảng thừa, số doanh nghiệp phá sản tăng vọt