Chỉ hơn một tháng nữa, Việt Nam dự kiến 'xóa tên' 2 TP thuộc TP trực thuộc Trung ương
Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ kéo theo nhiều thay đổi về đơn vị hành chính, trong đó có việc tạm dừng hoạt động của 696 đơn vị hành chính cấp huyện, 2 thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương cũng nằm trong số đó.
Nội dung được đề cập chi tiết trong Nghị quyết số 60 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII cho thấy sau khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp, 696 đơn vị hành chính cấp huyện tại Việt Nam sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Trong số 696 đơn vị hành chính cấp huyện gồm có 85 TP trực thuộc tỉnh, 2 thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương.
Trên tinh thần thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Việt Nam sẽ chủ trương tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, TP).

Đây được xem là cuộc cải cách sâu rộng đối với hệ thống đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chấm dứt từ ngày 1/7/2025 khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 chính thức có hiệu lực thi hành.
Thông tin mới nhất được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 11/5, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025 và Nghị quyết thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Theo Tờ trình số 2174 ngày 8/5/2025 của Bộ Nội vụ, các tỉnh, thành phố xây dựng 3.193 phương án sắp xếp 9.907 ĐVHC cấp xã để hình thành 3.193 ĐVHC cấp xã mới, giảm 6.714 đơn vị.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 85 thành phố thuộc tỉnh, 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (TP. Thủ Đức - TP. HCM và TP. Thủy Nguyên - Hải Phòng), 52 thị xã, 49 quận và 508 huyện. Đáng chú ý, Bình Dương và Quảng Ninh hiện là hai tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất, cùng sở hữu 5 thành phố.
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ buộc hoàn tất toàn bộ quy trình bàn giao trong vòng 15 ngày sau khi luật có hiệu lực (tức trước ngày 15/7).
Công việc bàn giao sẽ gồm toàn bộ công việc, hồ sơ, tài liệu, tài sản, ngân sách, cơ sở vật chất liên quan...
Tọa lạc ở phía Đông TP. HCM, TP. Thủ Đức là "thành phố trong thành phố" đầu tiên của Việt Nam. Đây là TP giữ vai trò hạt nhân thúc đẩy kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.

Nằm giữa trục kết nối quan trọng TP. HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, Thủ Đức sở hữu vị trí chiến lược với các đầu mối giao thông trọng điểm như Xa lộ Hà Nội, cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Metro số 1.
Khu vực này đang dần hình thành trung tâm tài chính - công nghệ mới, hội tụ các dự án trọng điểm như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị sáng tạo phía Đông, Đại học Quốc gia TP. HCM. Thủ Đức chính là động lực mở rộng không gian phát triển, góp phần tái cấu trúc đô thị TP. HCM theo hướng đa cực.
Nằm ở phía Bắc sông Cấm, TP. Thủy Nguyên giữ vị trí chiến lược trong quy hoạch mở rộng không gian đô thị Hải Phòng về hướng Bắc.

Với địa thế tiếp giáp Quảng Ninh và liên kết trực tiếp với trung tâm Hải Phòng thông qua cầu Bính, Thủy Nguyên được định hướng phát triển thành trung tâm hành chính - chính trị mới của thành phố. Đây cũng là nơi quy tụ các khu công nghiệp lớn như VSIP Hải Phòng, Nam Cầu Kiền, An Dương, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp và logistics của vùng.
Sở hữu tiềm năng quỹ đất dồi dào và vai trò đầu mối kết nối giao thông vùng duyên hải Bắc Bộ, Thủy Nguyên đang dần trở thành cực tăng trưởng mới, thúc đẩy Hải Phòng vươn lên vị thế trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất miền Bắc.
Việc điều chỉnh đơn vị hành chính, trong đó có việc "xóa tên" hai thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương như Thủ Đức (TP. HCM) và Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng), cần được nhìn nhận là một bước đi tất yếu trong tiến trình hoàn thiện mô hình quản lý đô thị hiện đại và phù hợp với thực tiễn phát triển. Đây không phải là sự thụt lùi về tên gọi, mà là sự sắp xếp lại để tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường hiệu lực điều hành, tạo nền tảng vững chắc cho các địa phương bứt phá.
Về bản chất, những giá trị kinh tế, xã hội và tầm vóc của Thủ Đức hay Thủy Nguyên không thay đổi theo tên gọi hành chính.
Ngược lại, việc điều chỉnh lần này mở ra cơ hội để các khu vực này được quản lý bài bản hơn trong tổng thể quy hoạch vùng, phát huy lợi thế sẵn có, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trên lộ trình hiện đại hóa đô thị và phát triển bền vững, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính chính là những "cú hích" cần thiết để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng các cực tăng trưởng mới, đóng góp vào bức tranh phát triển đồng đều và hiệu quả hơn cho cả quốc gia trong tương lai.
>> Đô thị đặc biệt của Việt Nam đưa gần 340 hồ/ao/đầm vào danh sách không được san lấp