Chỉ 5 ngày nữa, hầm xuyên núi kết nối 2 tỉnh hẹp ngang của Việt Nam sẽ được đào thông
Theo đơn vị thi công, doanh nghiệp sẽ phấn đấu khoan thông hầm vào ngày 16/7.
Theo Báo Lao Động, ngày 10/7, CTCP Sông Đà 10 (thuộc Tổng Công ty Sông Đà) cho biết, đang tập trung toàn bộ máy móc và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ khoan ống hầm Đèo Ngang.
Đến nay, đơn vị đã khoan được 535m hầm và chỉ còn khoảng 20m nữa là sẽ thông hầm. Công tác thi công được triển khai đồng thời từ hai phía: Bắc hầm (thuộc địa phận Hà Tĩnh) và Nam hầm (thuộc địa phận Quảng Bình cũ, nay là Quảng Trị).

“Chúng tôi đang tập trung tối đa để phấn đấu khoan thông hầm vào ngày 16/7 tới,” đại diện đơn vị thi công cho biết.
Dự án này nằm trong gói nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên tuyến Quốc lộ 1 với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng phê duyệt. Riêng hạng mục xây dựng hầm Đèo Ngang và các cầu, đường dẫn vào hầm có tổng vốn đầu tư hơn 516 tỷ đồng.
Hầm đường bộ Đèo Ngang mới được xây thêm một ống hầm ở phía Tây hầm hiện hữu.
Được biết, hầm đường bộ Đèo Ngang hiện tại nằm trên Quốc lộ 1, xuyên qua dãy Hoành Sơn, ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Trị (Quảng Bình cũ). Đây cũng là hầm đường bộ xuyên núi nổi tiếng nhất nhì miền Trung.

Hầm cũ được khởi công từ tháng 5/2003 hoàn thành vào tháng 7/2004 theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) do Tổng Công ty Sông Đà làm chủ đầu tư. Hầm chính dài 495m, kết hợp với hệ thống đường dẫn, tạo nên tuyến dài hơn 2,1km. Hầm được thiết kế rộng 11,5m, cao 7,5m, gồm 2 làn xe cơ giới (mỗi làn rộng 3,5m) và 2 làn cho xe thô sơ.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm khai thác, hầm Đèo Ngang đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện tăng mạnh, thường xuyên xảy ra ùn tắc vì chỉ có 2 làn xe cơ giới trên tuyến huyết mạch.
Sau khi mở rộng, hầm mới sẽ dài 555m, rộng 10,5m và đã được thi công từ cuối tháng 1/2025.
Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Khi đó, hai ống hầm sẽ vận hành song song, với tổng chiều rộng nền đường đạt 20,5m, đáp ứng lưu thông cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, góp phần giảm tải áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.
Quảng Trị và Hà Tĩnh là 2 tỉnh có bề ngang theo chiều Đông - Tây hẹp của Việt Nam. Trong đó, Quảng Trị là tỉnh hẹp nhất Việt Nam với chiều ngang trung bình khoảng 63,9km. Còn tỉnh Hà Tĩnh có bề ngang trung bình 60-70km, có nơi còn hẹp hơn.
Đối tác Trung Quốc của Vingroup muốn tham gia làm hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam
Hàm cá mập chính thức bị xóa sổ: Cập nhật hình ảnh mới nhất lúc này