Chi phí xăng dầu, nhân công, vật tư,... đồng loạt tăng cao đã khiến giá cước vận tải không theo kịp. Vì vậy quý II năm nay, PJT báo lãi ròng giảm sâu so với cùng kỳ.
Kết thúc quý II/2022, Báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Vận tải Xăng dầu Đường thủy Petrolimex (Mã chứng khoán: PJT) ghi nhận doanh thu đạt 207 tỷ đồng - tăng 20% cùng kỳ; trong khi giá vốn cũng tăng 25% lên 192 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp quý này của PJT chỉ đạt 15 tỷ đồng - giảm 21% so với quý II năm trước.
Trong quý, chi phí lãi vay của doanh nghiệp ghi nhận gần 4 tỷ đồng - giảm 28% cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 10% lên hơn 7 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần quý II của PJT đạt gần 4 tỷ đồng - tương đương giảm 50% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý II năm nay, doanh nghiệp vận tải xăng dầu này chỉ báo lãi vỏn vẹn chưa tới 2 tỷ đồng - giảm hơn 71% quý II/2021.
Phía doanh nghiệp giải trình nguyên nhân là do chi phí nhiên liệu, giá nhân công, vật tư sửa chữa, phụ tùng, trang thiết bị,... đồng loạt tăng mạnh, cùng với đó mức tăng giá cước vận tải lại khá trễ và không theo kịp nên đã dẫn tới việc lợi nhuận doanh nghiệp giảm sâu.
Cùng với kết quả kinh doanh không mấy khả quan từ quý I, bán niên 2022, PJC báo doanh thu tăng 18% lên 390 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước và sau thuế chỉ đạt 3 tỷ đồng và 2 tỷ đồng - tương đương giảm 81% và 83% bán niên 2021. EPS đạt 101 đồng/cổ phiếu. LNST chưa phân phối đến cuối kỳ còn hơn 23 tỷ đồng.
Năm 2022, PJT lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu ước đạt 667,68 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế ước đạt 28 tỷ đồng và 22,4 tỷ đồng. Ngoài ra công ty cũng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%.
Như vậy sau nửa năm, PJT đã hoàn thành 58% kế hoạch về doanh thu, trong khi lợi nhuận trước và sau thuế mới chỉ lần lượt đạt 11% và 10% kế hoạch cả năm.
6 tháng đầu năm, tài sản ngắn hạn của PJT tăng lên 91 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận hơn 50 tỷ đồng - tăng 25% so với đầu năm với chủ yếu là nhiên, vật liệu. Phải thu của khách hàng tăng 52% lên ngưỡng hơn 35 tỷ đồng, trong đó phần lớn là khoản thu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (hơn 21 tỷ đồng).
Cuối kỳ, vay dài hạn đến hạn trả của công ty giảm một nửa xuống chỉ còn 24 tỷ đồng, chủ yếu là vay từ PGBank - CN Sài Gòn, Vietinbank - CN Bắc Sài Gòn và Vietcombank - CN Gia Định.
Về dòng tiền, lưu chuyển tiền trong hoạt động kinh doanh chính giảm tới 84% xuống còn dương 17 tỷ đồng; hoạt động đầu tư đã có dấu hiệu tăng nhưng vẫn ghi nhận âm 2,5 tỷ đồng; dòng tiền tài chính tiếp tục giảm sâu xuống âm 24 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền đến cuối kỳ của PJT chỉ còn chưa tới 3 tỷ đồng - giảm 82% cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 17/8, cổ phiếu PJT đang đạt ngưỡng 10.700 đồng/cổ phiếu, tăng 100 đồng so với phiên giao dịch trước đó.