Chi vỏn vẹn 1 USD mua quyền khai thác mảnh đất cằn cỗi, phát hiện ra 'mỏ vàng' khổng lồ trị giá gần 300 nghìn tỷ đồng
Các nhà thăm dò đã tình cờ phát hiện ra "kho báu" mới có giá trị hàng tỷ USD tại một mảnh đất cằn cỗi.
Tỉnh Free State (Nam Phi) vốn nổi tiếng với những đồng cỏ bao la và từng là trung tâm sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm trước, các nhà thăm dò đã tình cờ phát hiện một "kho báu" mới có giá trị hàng tỷ USD tại khu vực này, đó chính là khí heli.
Ban đầu, hai nhà thăm dò khoáng sản Stefano Marani và Nick Mitchell chỉ quan tâm đến khí đốt tự nhiên khi mua quyền khai thác trên mảnh đất cằn cỗi rộng 87.000ha ở Free State vào năm 2012 với giá vỏn vẹn 1 USD. Tuy nhiên, khi phân tích khí gas khai thác, họ phát hiện nồng độ khí heli tại khu vực này cao bất thường. Ông Marani chia sẻ: "Đó là lúc chúng tôi biết mình có một điều gì đó đặc biệt".
Các thử nghiệm ban đầu cũng cho thấy nồng độ khí heli tại mỏ ở Nam Phi dao động từ 2-4%, cao hơn nhiều so với mức 0,3% tại các mỏ ở Mỹ. Những cuộc thăm dò sâu hơn còn phát hiện nồng độ khí heli có thể lên đến 12%.
Công ty Renergen của hai nhà thăm dò sau đó cũng đã chứng minh được mỏ khí này có trữ lượng hơn 198 triệu m3 với trị giá hơn 4 tỷ USD. Kho báu này có thể có giá trị lên tới 12 tỷ USD (tương đương 296.000 tỷ đồng) khi tính cả trữ lượng tiềm năng.
Vào tháng 1/2023, Renergen đã thành công trong việc sản xuất heli hóa lỏng và hy vọng sẽ sớm bắt đầu hoạt động thương mại, cung cấp khí heli đã qua xử lý cho các công ty kỹ thuật toàn cầu.
Theo ông Mitchell, dự án giai đoạn 1 của công ty là một hoạt động thí điểm nhỏ do chính phủ Mỹ tài trợ, sản xuất khoảng 350kg heli mỗi ngày, đủ để đáp ứng nhu cầu của Nam Phi mà vẫn dư thừa. Trong khi đó, giai đoạn 2 đi vào hoạt động năm 2027 sẽ tăng sản lượng lên 4,2 tấn mỗi ngày, sản xuất khoảng 6 - 8% nguồn cung cấp heli toàn cầu.
Heli thường được biết đến như loại khí được dùng để bơm bóng bay hoặc tạo hiệu ứng thay đổi giọng nói của con người trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, heli còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác như y tế (máy siêu âm), chất siêu dẫn hay thám hiểm không gian.
Trên thế giới, chỉ có một số ít quốc gia sản xuất heli, khiến nguồn cung của nó dễ bị gián đoạn. Đặc biệt, trong 30 năm qua, nhu cầu và giá cả heli cũng đã tăng hơn gấp đôi. Khi việc sử dụng heli ngày càng mở rộng, các quốc gia ngày càng quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung ổn định. Hiện nay, Nga, Mỹ và Tanzania cũng đang tìm cách khai thác thêm các trữ lượng heli mới.