Chính phủ đề xuất loại bỏ án tử hình với 8 tội danh, trong đó có tham nhũng, buôn bán hàng giả, hối lộ
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo là đề xuất loại bỏ tử hình với 8/18 tội danh.
Theo Vietnamnet đưa tin, sáng 20/5, Đại tướng Lương Tam Quang – Bộ trưởng Bộ Công an – thay mặt Thủ tướng Chính phủ, trình bày Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Dự thảo có những điểm đáng chú ý sau:
Đề xuất loại bỏ tử hình với 8/18 tội danh
Theo Dự thảo, Chính phủ đề nghị thay thế án tử hình bằng hình phạt tù chung thân không được giảm án đối với 8 trong tổng số 18 tội danh hiện còn có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Điều này vẫn đảm bảo cách ly người phạm tội khỏi xã hội và thể hiện xu hướng nhân đạo trong cải cách tư pháp hình sự.

Các tội danh được đề xuất bỏ hình phạt tử hình gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của Việt Nam; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Ngoài ra, Dự thảo bổ sung quy định miễn thi hành án tử hình đối với các trường hợp người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối hoặc người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, có kèm theo nhiễm trùng cơ hội.
Điều chỉnh các hình phạt khác
Bên cạnh đề xuất bỏ tử hình với 8/18 tội danh, Chính phủ còn đề xuất bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án như một hình phạt chính thức. Các quy định liên quan đến việc phân loại tội phạm, xét giảm hình phạt, áp dụng án trong trường hợp phạm nhiều tội, tội phạm chưa đạt... cũng được điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với thực tế.
Dự thảo đề xuất tăng mức hình phạt đối với nhiều loại tội, đặc biệt là các tội liên quan đến môi trường, thực phẩm, hàng giả và ma túy. Cụ thể:
Tăng gấp đôi mức phạt tiền hiện hành đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả nói chung; đặc biệt là hàng giả liên quan đến thực phẩm, thuốc chữa bệnh và phụ gia thực phẩm.
Tăng mạnh hình phạt đối với các tội phạm về tham nhũng như tham ô và nhận hối lộ.
Ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp
Trước các đề xuất bỏ án tử hình, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp ghi nhận hai quan điểm là: Tán thành việc bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình như đề xuất của Chính phủ; Tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, việc xem xét cần thận trọng, cân nhắc kỹ, đặc biệt là việc bỏ án tử hình đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét và thông qua dự luật theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 9 nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách pháp luật hình sự trong bối cảnh hiện nay.
>>Người bị kết án tử hình có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình không?