Quốc tế

Chính sách mới của Mỹ trong trợ cấp xe điện có thể làm khó các hãng xe "non trẻ"

Hùng Dũng 19/10/2023 15:35

Các chính sách mới sắp áp dụng đối với trợ cấp thuế dành cho xe điện tại Mỹ có thể làm khó các hãng xe chưa đáp ứng được điều kiện vào năm 2024?

Kể từ ngày 1/1/2023, chính sách trợ cấp thuế Liên bang trị giá 7.500 đô la dành cho người mua xe điện được sản xuất tại Bắc Mỹ nằm trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do chính phủ Washington ban hành đã chính thức có hiệu lực. Sự kiện này đã tạo một cú huých lớn nhằm kích thích sự quan tâm của người tiêu dùng tại quốc gia này nhiều hơn đối với xe điện, giúp gia tăng tốc độ điện khí hóa ngành ô tô nội địa.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến quyết định khởi công xây dựng nhà máy sản xuất của hãng xe điện khởi nghiệp VinFast đến từ Việt Nam tại tiểu bang Bắc Carolina hồi cuối tháng 7/2023 vừa qua với tổng giá trị đầu tư lên tới 4 tỷ đô la.

Sau khi dây chuyền sản xuất của nhà máy chính thức đi vào hoạt động dự kiến kể từ năm 2025, bên cạnh việc đây là cơ sở cung cấp xe điện phục vụ thị trường Bắc Mỹ đầy tham vọng, cắt giảm các chi phí về vận chuyển và thuế quan nhập khẩu ô tô từ Việt Nam vào Mỹ, thì nó được đánh giá là còn có thể giúp những sản phẩm xe điện VinFast đủ điều kiện đáp ứng khoản tín dụng thuế Liên bang trị giá 7.500 đô la.

vf 8s on the road 65036f3292d78.jpg
Mỹ là thị trường quốc tế trọng điểm mà Vinfast hướng tới trên chặng đường phát triển quốc tế. Ảnh: Vinfast.

Dẫu vậy, để có thể đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của đạo luật IRA không phải là điều đơn giản. Ngược lại, ngày càng có các dấu hiệu cho thấy, chính phủ Mỹ đang siết chặt hơn nữa các quy định về trợ cấp thuế.

Theo tờ Insideev, tới tháng 6/2023, chỉ có 5 nhà sản xuất xe điện tại Mỹ đủ tiêu chuẩn để được nhận trợ cấp thuế Liên bang tại thị trường Mỹ là General Motors (với 2 thương hiệu Chevrolet và Cadillac), Ford, Rivian, Tesla và Volkswagen. Trong đó, chỉ có 3 hãng là Tesla, GM và Volkswagen được hưởng toàn bộ trợ cấp 7.500 đô la tín dụng thuế và duy nhất mẫu bán tải điện F-150 của Ford đạt đủ các tiêu chuẩn này.

Hãng Nissan dù cho đã vận hành nhà máy sản xuất xe điện Leaf tại tiểu bang Tennessee nhưng suốt gần nửa năm qua không thể đạt được các tiêu chuẩn về pin nên không nằm trong diện được trợ cấp của chính phủ Washington. Cho tới gần đây, hãng xe tới từ Nhật Bản cho biết, họ đã đảm bảo một nửa yêu cầu của đạo luật IRA, đạt được trợ cấp trị giá 3.750 đô la cho người mua xe điện Leaf S và SV Plus.

Có 5 yêu cầu mà chính phủ Mỹ đề ra dành cho nhà sản xuất để có thể nằm trong diện nhận được trợ cấp tín dụng thuế.

Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là các sản phẩm xe điện phải được lắp ráp cuối cùng hoặc chế tạo tại các cơ sở ở Bắc Mỹ, bao gồm 3 quốc gia là Mỹ, Canada và Mexico. Tiếp đó, các mẫu xe này có giá trị niêm yết trên thị trường (MSRP) không vượt quá 55.000 đô la đối với ô tô điện thông thường, không vượt quá 80.000 đô la đối với SUV, xe bán tải và xe tải. Thứ ba, phải có tổng trọng lượng dưới 6.350kg và có công suất pin tối thiểu 7kWh.

Dẫu vậy, hai điều khoản khó đáp ứng nhất đó chính là trên 50% tổng giá trị các loại linh kiện sử dụng chế tạo pin phải được sản xuất hoặc lắp ráp tại Bắc Mỹ và trên 40% tổng giá trị các loại khoáng sản sử dụng để chế tạo cần được khai thác, chế biến hoặc tái chế tại Bắc Mỹ hoặc các nước FTA với Mỹ (tiêu biểu như Nhật Bản). Nếu chỉ đáp ứng được một trong hai thì mẫu xe chỉ được trợ cấp một nửa số tín dụng thuế tối đa đã được quy định, tương đương 3.750 đô la.

rouge electric vehicle center 12 1656538868.jpg
Ford F-150 là mẫu bán tải điện duy nhất hiện nay đạt được mức giá trị trợ cấp tín dụng thuế Liên bang tối đa 7.500 đô la. Ảnh: Ford.

Theo đánh giá của tờ Insideev, các yêu cầu về thành phần pin là điều không dễ đáp ứng dù cho đối với các nhà sản xuất lớn, đã có mặt lâu năm trên thị trường ô tô Mỹ và chính phủ Washington đang kiểm soát các yêu cầu một cách cực kỳ gắt gao.

Điển hình nhất, kể từ tháng 4/2023, mẫu Nissan Leaf sau 4 tháng hưởng trợ cấp tín dụng thuế đã bị loại bỏ tư cách một cách cứng rắn do nhà sản xuất không đáp ứng đầy đủ những tiêu chí mà cơ quan chuyên trách đề ra. Hay như mẫu Genesis Electrifield GV70 vốn đã được đưa vào sản xuất tại Mỹ từ tháng 2/2023 nhưng vẫn chưa đủ tư cách được hưởng trợ cấp do sử dụng pin điện có nguồn gốc từ Hàn Quốc.

Không những vậy, kể từ ngày 1/1/2024, chính quyền của tổng thống Joe Biden sẽ lần đầu tiên siết chặt thêm các tiêu chí trợ cấp thuế khi yêu cầu các nhà sản xuất xe điện phải đạt trên 60% tổng giá trị linh kiện sản xuất pin phải được chế tạo tại địa phương và trên 50% tổng giá trị khoáng sản sử dụng sản xuất phải được khai thác ở Bắc Mỹ hoặc các nước có FTA. Hành động này càng gây “khó” hơn nữa cho các hãng xe điện ngoại quốc.

Việc VinFast gần đây đã có động thái mua lại phần lớn cổ phần của nhà sản xuất VinES cho thấy, hãng cũng đang tiến tới các động thái tiết kiệm chi phí và kiểm soát về công nghệ sản xuất pin nhằm có thể hướng tới sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí ngặt nghèo trong thành phần sản xuất mà chính phủ Mỹ đề ra.

Sau cú bắt tay của Mai Linh, thêm hãng taxi truyền thống ‘điện hóa’ với dàn xe VinFast

VinFast và dịch vụ hậu mãi khác biệt: Phê duyệt bảo hiểm siêu tốc chỉ trong 4 giờ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chinh-sach-moi-cua-my-trong-tro-cap-xe-dien-co-the-lam-kho-cac-hang-nuoc-ngoai-2203405.html?zarsrc=31
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính sách mới của Mỹ trong trợ cấp xe điện có thể làm khó các hãng xe "non trẻ"
    POWERED BY ONECMS & INTECH